Bệnh hoang tưởng ở người già và những điều cần biết

Bệnh hoang tưởng ở người già là một bệnh lý rối loạn tâm thần thường gặp. Người bệnh có các nhận thức lệch lạc, không phù hợp. Bệnh cần phải được phát hiện và điều trị sớm bằng phương pháp thích hợp để ngăn chặn các nguy cơ mà nó có thể gây nên.

1. Bệnh hoang tưởng ở người già

Bệnh hoang tưởng là một bệnh lý rối loạn tâm thần. Người bệnh có các ý tưởng sai lầm và không phù hợp với thực tế. Các ý tưởng này hoàn toàn do bệnh nhân tự nghĩ ra. Tuy nhiên, với bệnh nhân chúng là đúng và không thể phê phán được.

Thật không may, bệnh hoang tưởng ở người già là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở những người từ 60 tuổi trở lên. Người ta ước tính rằng, có đến 23% số người già gặp phải các vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần, trong đó có bệnh hoang tưởng.

Khi bệnh hoang tưởng ở người già xảy ra, bệnh nhân sẽ thường có những cách phản ứng khác nhau với các hoang tưởng mà họ gặp phải. Đôi lúc, những cách phản ứng này có thể gây hại cho chính bản thân họ hoặc với những người xung quanh. Vì thế, cần phải phát hiện sớm bệnh hoang tưởng ở người già để có những cách xử lý sớm và thích hợp.

2. Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng ở người già

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng ở người già vẫn chưa hoàn toàn được biết rõ. Nhưng một số các yếu tố sau đây được cho là có thể gây nên bệnh hoang tưởng ở người già:

  • Di truyền: Di truyền là một trong các yếu tố được nhắc đến nhiều khi nói về nguyên nhân bệnh gây bệnh hoang tưởng ở người già. Nếu có cha, mẹ, hoặc anh chị em ruột mắc bệnh lý tâm thần (rối loạn nhận thức, tâm thần phân liệt,...) thì người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng cao hơn.
  • Các bất thường tâm thần: Bệnh hoang tưởng được cho là có thể xảy ra sau thời gian bị lo âu hoặc ám ảnh kéo dài. Hoặc nó cũng dễ gặp ở các bệnh nhân có các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, loạn thần cấp tính, trầm cảm,... Những hiện tượng này đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh hoang tưởng ở người già.
  • Các tổn thương ở hệ thần kinh: Hệ thần kinh có thể bị tổn thương do các nguyên nhân khác nhau như u não, tai biến,... Các tổn thương cấu trúc này dẫn đến sự bất thường trong hoạt động chức năng của não, đặc biệt là ở các vùng não kiểm soát nhận thức và tư duy. Nên các tổn thương cấu trúc tại hệ thần kinh được cho là nguyên nhân có thể gây bệnh hoang tưởng ở người già.
  • Sự lão hóa theo tuổi tác: Sự lão hóa theo tuổi tác gây nên các bệnh lý như Alzheimer, sa sút trí tuệ tuổi già,... Các tình trạng này tiến triển và dần phá hủy khả năng nhận thức, tư duy và ghi nhớ ở người già. Do vậy khiến chúng trở thành nguyên nhân thúc đẩy bệnh hoang tưởng ở người già.
  • Thuốc và độc chất: Một số loại thuốc và độc chất có thể gây tác dụng xấu lên hệ thần kinh, làm rối loạn hoạt động thần kinh và gây nên chứng hoang tưởng. Những nhóm thuốc, độc chất có thể gây hoang tưởng khi sử dụng bao gồm rượu, ma túy, thuốc an thần,...

3. Bệnh hoang tưởng ở người già biểu hiện thế nào?

Lo lắng và căng thẳng quá độ thường là những triệu chứng đầu tiên mà bệnh hoang tưởng ở người già gây ra. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu này lại thường không được chú ý đúng mức.

Khi thời gian kéo dài, những lo lắng và căng thẳng quá mức sẽ khiến người bệnh bị ám ảnh, sinh ra các ảo tưởng, ảo giác hoặc tự suy diễn vấn đề theo hướng suy nghĩ của bản thân. Từ đó gây nên các hoang tưởng. Hậu quả là người bệnh hạn chế tiếp xúc với người khác, chán ăn, sợ hãi, có các hành động bất thường,...

Tùy thuộc vào đặc điểm các hoang tưởng mà người bệnh gặp phải, người ta chia tình trạng hoang tưởng thành 5 dạng khác nhau bao gồm:

  • Hoang tưởng bị hại: Đây là dạng hoang tưởng thường gặp nhất. Người bệnh cảm giác có người theo dõi mình, lấy trộm đồ của bản thân, bản thân bị đầu độc hoặc là đối tượng nhằm vào của một âm mưu nào đó,...


Hoang tưởng bị hại là một trong các dạng bệnh hoang tưởng ở người già. (Ảnh: Internet)

  • Hoang tưởng được yêu: Người bệnh mắc thể hoang tưởng này tin rằng có một người nào đó đang yêu họ. Những người này có thể là không dám bày tỏ tình cảm với họ, hoặc đang cố gắng thể hiện thông qua các phương thức như nói chuyện, gọi điện thoại,...
  • Hoang tưởng tự cao: Dạng hoang tưởng này biểu hiện bằng việc người bệnh tự đánh giá quá cao bản thân. Người bệnh nghĩ rằng mình rất tài giỏi, làm được các công việc rất to lớn, phát minh ra ngôn ngữ mới hay giao tiếp được với người ngoài hành tinh.
  • Hoang tưởng ghen tuông: Xảy ra với những người già mà bạn đời còn sống. Họ cho rằng bạn đời của mình đang có những mối quan hệ ngoài luồng, luôn tìm cách để chứng minh mối quan hệ này là có thật,...
  • Hoang tưởng cơ thể: Hoang tưởng xảy ra trên một bộ phận của cơ thể. Người bệnh cảm thấy cánh tay hoặc chân không phải của mình, trên cơ thể có dị dạng, có mùi bất thường,...

4. Bệnh hoang tưởng ở người già có nguy hiểm không?

Bệnh hoang tưởng ở người già là một vấn đề tâm thần nghiêm trọng. Người bệnh luôn tin tưởng những thứ mà bản thân nhận thức được do hoang tưởng là đúng đắn, không thể phê phán. Vì thế họ thường hành động theo những hoang tưởng này.

Việc hành động theo hoang tưởng thực sự rất nguy hiểm. Nó không chỉ đảo lộn cuộc sống của bản thân người bệnh và gia đình, mà thậm chí có thể đưa người bệnh vào các tình huống rắc rối do hành động không đúng với các chuẩn mực của xã hội.

Nghiêm trọng hơn, sự đáp ứng của người bệnh với các nội dung hoang tưởng có thể làm hại chính bản thân người bệnh hoặc những người xung quanh. Đây là hậu quả thường thấy khi bị thể hoang tưởng bị hại.

Ngoài ra, bệnh hoang tưởng ở người già nếu không được can thiệp và diễn tiến kéo dài sẽ rất dễ dẫn đến trầm cảm. Thống kê cho thấy, có khoảng 50% trường hợp mắc bệnh hoang tưởng ở người già sẽ bị trầm cảm sau đó từ 3-6 tháng.

5. Điều trị bệnh hoang tưởng ở người già

5.1. Điều trị bệnh hoang tưởng ở người già bằng liệu pháp tâm lý

Tâm lý liệu pháp là một phần quan trọng trong điều trị bệnh hoang tưởng ở người già. Tuy nhiên, việc thực hiện nó thường khá khó khăn và cần phải kiên trì trong thời gian dài. Điều này là bởi, với người bệnh các hoang tưởng của họ là chính xác, là hiển nhiên và không thể phê phán được.

Liệu pháp tâm lý trong điều trị bệnh hoang tưởng ở người già bao gồm hai nội dung chính gồm:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân: Hỗ trợ bệnh nhân nhận thức được các suy nghĩ đã bị lệch lạc do bệnh hoang tưởng.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Giúp bệnh nhân xây dựng các mô hình suy nghĩ, hành vi đúng đắn để tránh dẫn tới các hoang tưởng.

5.2. Điều trị bệnh hoang tưởng ở người già bằng thuốc

Bên cạnh liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn tình trạng hoang tưởng. Khoảng 50% số bệnh nhân điều trị bệnh hoang tưởng bằng thuốc đã có sự cải thiện đáng kể các triệu chứng.

Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh hoang tưởng ở người già hiện nay chủ yếu là các thuốc chống loạn thần. Chúng bao gồm các thuốc chống loạn thần thế thông thường và các thuốc chống loạn thần không điển hình.

  • Thuốc chống loạn thần thông thường: Là những thuốc chống loạn thần thế hệ đầu, hoạt động dựa trên cơ chế ức chế thụ thể dopamin tại não. Nhóm thuốc này bao gồm các đại điện điển hình như chlorpromazine, haloperidol, perphenazine,...
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình: Cũng hoạt động dựa trên cơ chế ức chế dopamin và serotonin tại não. Nhưng nhóm thuốc này ngày càng được ưa chuộng sử dụng bởi ít gây tác dụng không mong muốn hơn so với thế hệ cũ. Các đại diện thường được dùng có thể kể đến gồm clozapine, paliperidone, risperidone, olanzapin,...


Các thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng để điều trị bệnh hoang tưởng ở người già (Ảnh: Internet)

6. Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người già bị bệnh hoang tưởng

Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh hoang tưởng ở người già không phải là một điều dễ dàng. Do đó, người chăm sóc hãy lưu ý một số điều sau đây để quá trình chăm sóc trở nên hiệu quả hơn:

  • Người chăm sóc cần phải có sự kiên nhẫn và tỷ mỉ. Hãy cố gắng theo hành vi và trạng thái của người bệnh để nhận ra được những thay đổi dù là nhỏ nhất.
  • Đừng cố gắng giải thích cho bệnh nhân rằng họ đang sai. Thay vào đó, hãy thấu hiểu và chia sẻ với họ.
  • Người chăm sóc hãy cố gắng quan sát người bệnh để tìm ra được nguyên nhân gì đang khiến họ bị lo lắng, sợ hãi,...
  • Nếu có thể, hãy ghi lại nhật ký quá trình chăm sóc. Đây sẽ là tư liệu quý giá để hỗ trợ cho bác sĩ đánh giá sự tiến triển của bệnh và đưa ra hướng điều trị chính xác hơn.
  • Tìm kiếm sự tư vấn y tế hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khi cần thiết.

Có thể thấy rằng, bệnh hoang tưởng ở người già là một vấn đề tâm thần tương đối phổ biến. Do đó, cần theo dõi để phát hiện, điều trị sớm bằng đúng phương pháp để tránh các hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

Cập nhật: 10/04/2022 Theo phunuvietnam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video