Tiền bạc, công việc, nuôi dạy con... là những stress phổ biến, thường gặp.
Bác sĩ Lê Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Y học Dân tộc TP HCM cho biết stress bao gồm tất cả áp lực của cuộc sống, ảnh hưởng về thể xác lẫn tinh thần. Stress có hai mặt tốt và xấu, tùy thuộc vào mức độ tình trạng căng thẳng.
Khi cơ thể bị stress, vùng dưới đồi não và tuyến thượng thận tiết ra hormone giải phóng năng lượng và chuẩn bị tình huống "chiến đấu hay trốn chạy". Lúc này tim sẽ đập nhanh, phổi thở nhanh nông bằng ngực, đồng tử mở rộng, tuyến lệ bị ức chế, toát mồ hôi, máu dồn lên não, ăn không ngon, ngủ không yên...
Do đó, tìm ra lý do dẫn đến lo lắng có thể là bước khởi đầu tốt để đối phó với stress hiệu quả.
Stress lo lắng xung quanh
Lo lắng xung quanh không phải là sự đồng cảm mà là căn bệnh mạn tính có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Đó có thể là phản ứng căng thẳng thái quá trước những tin xấu như một vụ cướp gần nhà cùng với nỗi sợ hãi rằng điều đó sẽ xảy ra với bạn hoặc với người thân. Những người mắc chứng lo lắng xung quanh thường khó quản lý được tâm lý và cảm xúc nội tâm của mình.
Để giải tỏa, bạn nên chăm sóc thật nhiều cho bản thân, hạn chế quan tâm quá nhiều đến lượng tin tức xấu mỗi ngày. Tránh gặp những người tiêu cực, luôn có xu hướng nhìn nhận mọi việc theo hướng xấu.
Stress công việc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, stress liên quan đến công việc gây hại cho sức khỏe, giảm năng suất và động lực. Nó cũng làm tăng tai nạn lao động. Một nghiên cứu gần đây trên Preventive Medicine chỉ ra rằng stress công việc kéo dài có liên quan tới tăng khả năng mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày và u lympho không Hodgkin.
Để giảm stress do công việc, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh mệt mỏi, giữ cho đầu óc luôn sảng khoái. Ngoài ra, tập thể dục còn làm giảm căng thẳng, giải phóng xúc cảm và khiến ta ngủ ngon hơn.
Stress công việc kéo dài gây hại sức khỏe, giảm hiệu suất công việc. (Ảnh: Career).
Stress nuôi dạy con
Stress và nuôi dạy con cái thường đi cùng nhau. Đây là dạng stress được Hội Tâm lý Mỹ thừa nhận. Dạng stress này có thể là tâm lý e ngại đứa con chập chững không đạt được các mốc phát triển quan trọng, lo sợ về mối nguy hại như ma túy hay chất kích thích... Stress do nuôi dạy con thể hiện ở khắp mọi nơi, cản trở bạn tận hưởng cuộc sống của chính mình.
Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn thôi lo lắng cho con cái, nhưng thông qua những thói quen lành mạnh, stress giảm đi. Xóa sạch khỏi tâm trí những cảm xúc xấu tích tụ, tập thể dục, thiền và ăn uống lành mạnh. Ngủ đủ giấc để cơ thể bổ sung năng lượng và hoạt động tối ưu. Khi cơ thể hạnh phúc, tâm trí chắc chắn sẽ hạnh phúc.
Stress cuộc sống đô thị
Một nghiên cứu được thực hiện tại Viện Đại học Sức khỏe Tâm thần Douglas cho thấy nhịp sống đô thị có liên quan đến các rối loạn tâm trạng và lo âu. Theo nghiên cứu, âm thanh, mùi vị và trải nghiệm của đời sống đô thị tác động đáng kể đến hạch hạnh nhân và vỏ não, hai vùng não có nhiệm vụ điều chỉnh cảm xúc và căng thẳng.
Do đó, bạn có thể thư giãn ra bằng cách đi ra ngoại thành và cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Ngoài tập thể dục, có thể tập thiền để giải tỏa cảm xúc, sống lành mạnh và quên đi những áp lực của cuộc sống.
Stress do sang chấn thời thơ ấu
Các loại sang chấn bao gồm lạm dụng tình dục, thảm họa thiên nhiên, chiến tranh và tai nạn giao thông có thể dẫn đến hậu quả suốt đời. Nó có thể khiến trẻ mất khả năng điều chỉnh cảm xúc, khó tập trung, giảm trí nhớ...
Người bị stress do chấn động từ ngày nhỏ có thể gặp bác sĩ trị liệu để thăm khám, điều trị, kê thuốc và chăm sóc lâu dài.
Stress vì tiền bạc
Khi bạn phải dành dụm tiền cho các vấn đề trong cuộc sống như nghỉ hưu hoặc vất vả kiếm tiền để nuôi con, thì stress cực độ chắc chắn sẽ xảy ra. Loại stress này có thể là mạn tính dẫn đến trầm cảm, nhất là cảm giác bất lực.
Stress liên quan đến tiền bạc không dễ khắc phục. Để thay đổi, bạn buộc phải nỗ lực và có lối sống tích cực hơn. Tập thói quen chi tiêu phù hợp với thu nhập và lên kế hoạch tài chính để điều chỉnh.
Stress do biến cố lớn
Những biến cố lớn như cái chết của vợ/chồng, thương tích hoặc bệnh tật của bản thân, ly hôn... có thể gây ra stress.
Viện Stress Mỹ liệt kê những biến cố này là tác nhân gây stress và tác động đáng kể lên mức độ lo lắng của bạn.
Bạn có thể không thay đổi được lý do dẫn đến stress nhưng việc đối phó với nó nằm trong tầm tay của bạn. Nên mở rộng mối quan hệ tích cực, tham gia vào các hoạt động vui chơi, làm những gì bạn thích, cho dù đó là một chuyến đi trong ngày để giải tỏa tâm lý, lấy lại năng lượng để tiếp tục công việc.