Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận Công viên quốc gia Lư Sơn của Trung quốc là di sản văn hóa thế giới năm 1996.
Công viên quốc gia Lư Sơn - Di sản văn hóa thế giới tại Trung Quốc
Lư Sơn hay còn gọi là Lô Sơn là một dãy núi nằm ở phía nam thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây, Trung quốc. Lư Sơn có 99 ngọn núi trong đó cao nhất là đỉnh Đại Hán Dương. Đỉnh Đại Hán Dương có độ cao 1.474 mét so với mực nước biển. Cho đến ngày nay, ngọn núi này là một trong những địa điểm du lịch quan trọng của Trung Quốc.
Lư Sơn là một điểm đến được du khách nội địa Trung Quốc yêu thích. Nếu đứng từ lưng chừng núi có thể nhìn thấy những sự dịch chuyển vỉa rất đặc biệt từ kỷ Băng hà. Phong cảnh vùng núi rất đẹp với các đỉnh núi, thung lũng, hẻm núi, khe núi, kiến tạo đá, hang động, và thác nước. Khu vực này cũng có một số đền thờ Đạo giáo, chùa Phật giáo, cũng như nhiều di tích Khổng giáo.
Năm 1982, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn Lư Sơn là khu danh lam thắng cảnh trọng điểm của quốc gia. Công viên quốc gia này trải dài trên diện tích 500 km² đến lưu vực Hồ Bà Dương. Năm 1996, Công viên Quốc gia Lư Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Năm 2004, công viên được UNESCO công nhận là vườn địa chất (Công viên Địa chất Quốc gia Lư Sơn kỷ Băng Hà) và được đưa vào danh sách hệ thống các vườn địa chất quốc tế. (Hệ thống này có tất cả 48 vườn, trong đó riêng Trung Quốc đã có 18 vườn).
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu của Lư Sơn cũng rất ôn hòa. Nhiệt độ bình quân hàng năm 17 độ C, mùa hè nhiệt độ cao nhất không quá 32 độ. Khí hậu ấm áp, không khí trong lành, phong cảnh ngoạn mục đã khiến Lư Sơn trở thành thắng cảnh du lịch được mọi người ao ước.
Tại vùng núi này khí hậu dễ chịu nhất là vào mùa hè nhưng phong cảnh đẹp nhất lại là mùa đông. Mùa đông ở đây, tuyết phủ trắng xóa, bước trên tuyết mềm mại thật chẳng khác nào bước đi trên bông, phát ra tiếng sột soạt, tuyết đóng thành từng sợi dài trên cành cây cũng khiến khung cảnh cả khu rừng thực sự trở nên ngoạn mục.
Không phải mới đây mà từ cả nghìn năm trước, khu vực Lư Sơn đã thu hút khách thăm quan. Theo thống kê trong hơn 1000 năm qua đã có đến hơn 1.500 văn nhân mặc khách đến thăm quan và để lại hơn 16.000 bài thơ, ca, phú, ngâm vịnh về Lư Sơn...bằng đá và kim loại, điều này càng khiến cho danh thắng Lư Sơn ngày càng nổi tiếng hơn.
Bài thơ “Ngắm thác nước Lư Sơn” là do thi hào Lý Bạch triều nhà Đường viết khi đến ngoạn cảnh Lư Sơn, với sức tưởng tượng táo bạo, nhà thơ đã ca ngợi sự hoành tráng của thác nước tên đỉnh Hương Lư như nước từ dải Ngân Hà đổ xuống.
Sau đó mấy trăm năm, đại thi hào triều nhà Tống là Trung Quốc Tô Thức cũng đã đến Lư Sơn và để lại bài thơ “Đề tây lâm bích”. Không những miêu tả cảnh đẹp hoành tráng của Lư Sơn mà bài thơ còn bao hàm nhiều triết lý, trở thành đại diện điển hình của thơ triết lý sơn thủy Trung Quốc.
Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với khí hậu ôn hòa dễ chịu của Lư Sơn không những đã thu hút được nhiều văn nhân mặc khách mà còn thu hút được sự chú ý của các tôn giáo. Tại Lư Sơn có đến 5 tôn giáo khác nhau gồm: Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Trong một danh thắng mà có đến 5 tôn giáo cùng tồn tại chứng tỏ Lư Sơn là danh sơn được các tôn giáo coi trọng đồng thời cũng nói lên sự bao dung của vùng núi này.
Từ thế ký 19 đến thế kỷ 20, hòa với sự phát triển chung các tôn giáo đã cho xây dựng nhiều nhà thờ, chùa chiền tại đây để bắt đầu truyền đạo. Chính bởi vây mà Lư Sơn ngày càng trở thành một địa danh nổi tiếng. Các chính trị gia đứng đầu Trung Quốc như Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông cho xây dựng phủ đệ tại khu vực này, vì thế danh thắng này cũng đã chứng kiến rất nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.