Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 1994.
Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng Lâm được gọi chung là “Tam Khổng”, nằm ở thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc quê hương của Khổng Tử.
Khổng Tử là một trong những nhà triết học vĩ đại trên thế giới, là người sáng lập Nho học Trung Quốc. Các chùa chiền, phủ thự và lăng mộ của Khổng Tử được gọi là “Khổng miếu, Khổng Phủ , Khổng Lâm”, đây chính là tiêu chí được nhà vua của các triều đại Trung Quốc ra sức tôn sùng trong suốt hơn 2000 năm qua.
Khổng Miếu được gọi là “Đệ nhất miếu Trung Quốc”, là nơi quan trọng và lớn nhất để thờ Khổng Tử. Năm 478 trước công nguyên, nghĩa là sau khi Khổng tử qua đời hai năm, vua nước Lỗ đã cho xây dựng một ngôi miếu, bên trong trưng bày trang phục và đồ vật làm lễ của Khổng Tử, mỗi năm đến ngày giỗ của ông đều thờ cúng. Hồi đó chỉ có miếu thờ chỉ có ba gian, tuy nhiên về sau do sự ảnh hưởng của Nho giáo do Khổng tử sáng lập dần dần trở thành nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, các đời vua sau không ngừng mở rộng xây cất Khổng miếu, khiến Khổng miếu trở thành cụm kiến trúc có quy mô ngày càng to lớn. Đến đầu thế kỷ thứ 18, vua Ung Chính đời nhà Thanh ra lệnh đại tu Khổng miếu, mở rộng quy mô như ngày nay.
Khổng miếu có chiều dài từ nam tới bắc hơn 1000 mét, diện tích gần 100,000 m2, với hơn 500 gian nhà. Đây là công trình có quy mô chỉ xếp sau cụm kiến trúc cổ Cố cung Bắc Kinh. Khổng miếu cũng được coi là chuẩn mực của kiến trúc đền miếu cổ Trung Quốc.
Quần thể kiến trúc của Khổng miếu được thiết kế theo quy cách kiến trúc cao nhất của xã hội phong kiến Trung Quốc, tức bố cục kiến trúc kiểu hoàng cung. Chủ thể kiến trúc Khổng miếu xuyên qua trục chính nam bắc. Phần kiến trúc phụ bố trí ở hai bên, thành hàng đối xứng, kết cấu rất chặt chẽ, chỉnh tề và hoành tráng. Khổng miếu có 9 tầng, 9 khuôn viên, trong ngôi đền chính có 9 gian mở. Số 9 là chữ số lớn nhất, quan trọng nhất của xã hội phong kiến Trung Quốc bởi 9 là chữ số chuyên dùng cho nhà vua, đặc biệt là trên kiến trúc, ngoài nhà vua ra, bất cứ ai sử dụng số 9 đều bị chém đầu, thế nhưng Khổng miếu được ngoại lệ. Điện chính của Khổng miếu xây năm lớp cửa, theo chế độ lễ giáo phong kiến, chỉ có kiến trúc của nhà vua mới được xây năm lớp cửa, năm lớp cửa của Khổng miếu do vậy được hưởng nghi lễ của nhà vua.
Tượng và tranh vẽ Khổng Tử.
Kiến trúc chính của Khổng miếu là điện Đại Thành, cả khối điện cao khoảng 30 mét, từ đông sang tây dài hơn 50 mét, trên mái điện lợp ngói vàng rực rỡ, tượng trưng cho sự trang nghiêm, có thể sánh ngang với điện Thái Hòa của Cố Cung Bắc Kinh, được coi là một trong “ba điện cổ lớn Trung Quốc”. Một nét độc đáo khác của Điện Đại Thành đó là 10 cột đá lớn trạm rồng dựng trước điện, mỗi cột đều là khối đá nguyên vẹn được điêu khắc tỉ mỉ cao 6 mét, bán kính 1 mét, khí thế oai hùng. 10 cột rồng này, đường nét điêu khắc của mỗi cột một khác, không cột nào giống cột nào, tạo hình đẹp mắt, là tác phẩm quý giá trong nghệ thuật khắc đá Trung Quốc, ngay cả đến cột rồng trong Cố Cung cũng có phần thua kém.
Bên trong Khổng miếu trưng bày hơn 2000 tấm bia đá thuộc các triều đại Trung Quốc, là một trong những “rừng bia đá” của Trung Quốc. Trong đó, có những hơn 50 tấm Ngự bia (tức bia có bút tích của vua), đã thể hiện đầy đủ địa vị cao của Khổng Tử trong xã hội Phong kiến Trung Quốc.
Khổng phủ nằm ngay bên cạnh Khổng miếu, đây là nơi ở của các thế hệ con cháu Khổng Tử, đây cũng là phủ đệ lớn nhất Trung Quốc chỉ xếp sau cung thất của các nhà vua đời nhà Minh và nhà Thanh.
Khổng phủ được xây dựng từ thời nhà Tống đến thời nhà Kim. Với diện tích gần 500.000 m2 với 500 gian lầu, phòng, sảnh các loại, đây là điển hình kiến trúc trang viên địa chủ quý tộc phong kiến. Kiến trúc sảnh tại Khổng phủ mang phong cách điển hình của các kiến trúc quan lại dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Trong Khổng phủ cất giữ nhiều dữ liệu lịch sử , trang phục và nhiều dụng cụ của các triều đại, có giá trị lịch sử rất cao.
Khổng lâm là lăng mộ riêng của Khổng Tử và gia tộc ông, tại Trung quốc cho đến nay, đây vẫn là khu lăng mộ họ tộc có thời gian dài nhất, và khu lăng mộ này cũng có diện tích lớn nhất trên thế giới hiện nay. Khổng Lâm được xây dựng liên tiếp trong suốt khoảng 2500 năm, cứ mỗi thế hệ lại mở rộng ra thêm một chút, cả khuôn viên rộng 2 Km vuông, tổng cộng có hơn 100 nghìn ngôi mộ của con cháu họ Khổng. Trong khuôn viên Khổng Lâm còn bảo tồn hơn 500 tấm bia đá kể từ thời nhà Hán (năm 206 trước công nguyên đến năm 220 sau công nguyên).
Khổng Lâm đóng vai trò không thể thiếu được trong việc nghiên cứu chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như diễn biến của phong tục an táng của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng Lâm không những là di sản văn hóa có nội hàm phong phú, nổi tiếng khắp thế giới, mà đồng thời còn có nhiều di sản thiên nhiên có giá trị. Hơn 1700 gốc cây cổ thụ trong khuôn viên “Tam Khổng”̣ không những đã chứng kiến lịch sử phát triển của “Tam Khổng”, đồng thời cũng là tài liệu quý giá để nghiên cứu khí hậu học và sinh thái học của thời cổ.
“Tam Khổng ” nổi tiếng bởi bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, văn vật phong phú và giá trị khoa học nghệ thuật cao. Năm 1994, “Tam Khổng ” được Uỷ ban di sản thế giới của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới.