Sư thầy tại chùa Chak Daeng sử dụng vải tổng hợp từ nhựa tái chế để may khẩu trang nhằm đối phó đại dịch và bảo vệ môi trường.
Khẩu trang từ nhựa tái chế do các sư thầy ở chùa Chak Daeng sản xuất. (Ảnh: AFP).
Thái Lan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 ở khu vực Đông Nam Á với 721 ca nhiễm tính đến ngày 24/3. Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang, các nhà sư tại một ngôi chùa gần thủ đô Bangkok đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh bằng sự sáng tạo và đức tin Phật giáo.
Chùa Chak Daeng, do một vị trụ trì có ý thức về môi trường cai quản, từ lâu được nhiều người biết đến với chiến dịch sản xuất áo choàng từ 15 tấn chai nhựa mà họ nhận được mỗi tháng. Nhựa tái chế được chiết xuất thành sợi, sau đó kết hợp với bông để dệt vải tổng hợp có màu vàng nghệ.
Kể từ tháng trước, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Thái Lan, các sư thầy và tình nguyện viên đã chuyển sang may khẩu trang để hỗ trợ cộng đồng vượt qua khủng hoảng.
Lời cầu nguyện được viết phía ngoài khẩu trang. (Ảnh: AFP).
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, một lớp lọc bổ sung được khâu vào bên trong, giúp bảo vệ người đeo khỏi các giọt bắn mang virus tiềm năng. Bên cạnh đó, các nhà sư còn viết lên khẩu trang một lời cầu nguyện, giúp những người có đức tin vững tâm hơn vào cuộc chiến chống Covid-19.
Lời cầu mang ý nghĩa "biết vấn đề là cách chấm dứt đau khổ" bởi nhiều tín đồ Phật giáo tin rằng việc tìm ra nguồn gốc của rắc rối chính là con đường giúp một người hướng tới sự giác ngộ.