Các nhà khảo cổ từ Ai Cập và Anh quốc đã phát hiện ra hệ thống mật thất trong lăng mộ nổi tiếng của vua Tut, nơi có thể che giấu thi hài của nữ hoàng nổi tiếng Nefertiti.
Nhóm nghiên cứu do nhà khảo cổ Mamdouh Damati, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, dẫn đầu cùng nhiều chuyên gia đến từ Anh và Ai Cập đã khảo sát một lần nữa lăng mộ nổi tiếng của Vua Tut – tên gọi quen thuộc của pharaoh Tutankhamun của Ai Cập - vì cho rằng rất có thể thi hài của một vị nữ hoàng nổi tiếng đã được giấu trong ngôi mộ này.
Nhan sắc Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti được lưu giữ trong hình dáng một pho tượng bán thân. Bức tượng cổ thuộc sở hữu của Bảo tàng Berlin (Đức) và hiện đang đặt tại Bảo tàng Neues (Đức) - (ảnh: Bảo tàng Neues).
Vị nữ hoàng họ tìm kiếm chính là Nefertiti, một nữ pharaoh hiếm hoi trong lịch sử Ai Cập. Bà đã cùng trị vì với chồng là pharaoh Akhenaten như một nữ chúa chứ không phải một hoàng hậu suốt nhiều năm. Sau đó, theo các bằng chứng khảo cổ, khi pharaoh Akhenaten chết trẻ, Nefertiti đã chính thức cai trị đất nước này như một pharaoh trong nhiều năm trước khi nhường ngôi cho con riêng của chồng – chính là pharaoh Tutankhamun, lên ngôi khi mới 9 tuổi.
Nhóm khảo cổ đã sử dụng hệ thống radar tiên tiến để quét lại lăng mộ Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua suốt 3 ngày và tìm ra một hệ thống mật thấy ở phía sau các bức tường của lăng mộ.
Bất ngờ hơn, hệ thống tìm kiếm đã xác nhận được sự hiện diện của vật liệu hữu cơ, thứ mà các nhà khảo cổ tin rằng chính là xác ướp của vị nữ hoàng nổi tiếng. Cuộc khảo sát bắt nguồn từ lý thuyết trước đó của nhà Ai Cập học người Anh Nicholas Reeves, cho rằng nữ hoàng đã yên nghỉ ở một khoang bí mật đằng sau lăng mộ thật Tutankhamun.
Tất nhiên việc tiến vào một mật thất Ai Cập là điều vô cùng khó khăn và các nhà khảo cổ còn một chặng đường dài phía trước. Hiện họ vẫn chưa tìm ra lối vào khu mật thất bí ẩn nói trên.
Nữ hoàng Nefertiti sinh khoảng năm 1370 trước Công nguyên và mất khi khoảng 40 tuổi, đã cai trị vào thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử Ai Cập.