Sở thích ăn uống lạ lùng của Charles Darwin

Charles Robert Darwin (1809 - 1882), nhà khoa học người Anh, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người.

Ông nổi tiếng vì đã phát hiện và chứng minh mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Ngoài đam mê nghiên cứu, nhà khoa học này có sở thích ăn uống khá lạ lùng.

Sở thích thời sinh viên


Tranh vui mô tả sở thích ăn mẫu vật nghiên cứu của Darwin.

Qua các chuyến đi đến những vùng đất xa lạ trên khắp thế giới, Darwin đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về rất nhiều loài vật, sự đa dạng của đời sống trên hành tinh. Tuy nhiên, có điều lạ là Darwin lại có sở thích ăn những con vật mà ông đã khám phá và nghiên cứu.

Sự quan tâm đến việc ăn các động vật lạ bắt đầu khi Darwin còn là một sinh viên ở ĐH Cambridge (Anh). Một ngày nọ, ông và một số bạn đồng học nảy ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Glutton. Mục đích của câu lạc bộ này khá đơn giản, chỉ nhắm vào việc ăn “những con chim và thú, chưa từng biết trước đây trong bữa ăn của con người”. 

Mỗi tuần một lần, họ tụ họp và ăn những thực phẩm chế biến từ các sinh vật độc đáo, chẳng hạn như chim ưng, diệc, vạc... Họ vừa ăn vừa thảo luận về hương vị và tính đặc trưng của những con vật này. Đây được xem là một thú tiêu khiển nhằm thoát khỏi sự buồn tẻ sau giờ học ở giảng đường. Ngày nọ, họ làm thịt một con cú màu nâu, nhưng khi chế biến món ăn thì ai nấy đều cảm thấy quá khủng khiếp.

Darwin cho rằng, mùi vị của nó tệ đến mức “không thể diễn tả được” và không phải là món ăn hợp cho sức khỏe. Một thời gian không lâu sau đó, mọi người quyết định giải tán câu lạc bộ, mà theo Darwin, là để “tập trung vào việc nghiên cứu tác động của nơi ẩn náu, kết hợp với thịt của những con vật lạ”. Sau khi Câu lạc bộ Glutton không còn, sở thích ăn những con thú lạ, dị thường và hiếm vẫn còn ở Darwin.

Hành trình khám phá


Nhà khoa học Charles Darwin.

Khi ra trường, trở thành nhà tự nhiên học, Darwin thiên về ăn loài bọ cánh cứng và một số côn trùng khác bắt được. Ông bị ám ảnh ăn loài động vật đang nghiên cứu ở mức độ cao hơn, khi lên tàu thực hiện chuyến du hành dài ngày trên con tàu HMS Beagle. Đây là chuyến đi nổi tiếng nhất của Darwin, ông du hành khắp thế giới từ năm 1831 đến 1836, trong đó đáng kể là chuyến thăm quần đảo Galapagos.

Tại đây, ông đã khám phá và thực hiện nhiều nghiên cứu quan trọng, hình thành ý tưởng cho các lý thuyết về tiến hóa. Ông ghi chép cẩn thận những gì quan sát được và những giả thuyết của mình. Ông cũng thường xuyên gửi những mẫu vật về Cambridge và thư viết về nhật ký hành trình cho gia đình. Darwin cho rằng, chuyến đi trên tàu HMS Beagle là sự kiện trọng đại nhất trong đời ông và đã quyết định sự nghiệp của ông.

Đặc biệt, chuyến du hành bằng đường biển này cũng là trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời đối với một người thích phiêu lưu mạo hiểm, sành ăn như Darwin. Ông không thể cưỡng lại việc dùng làm thức ăn hầu hết các loài vật lạ mà ông xếp loại và lên danh mục. Càng đi sâu vào thế giới tự nhiên, Darwin càng không ngại ngần trải nghiệm những loại thức ăn kì dị, một số trong đó còn xa lạ với khoa học.

Chẳng những ăn, ông còn dành thời gian ghi chép, phản ánh về hương vị của chúng. Có lần ông ăn thịt một con báo và kết luận rằng nó ngon hơn ông nghĩ và mô tả mùi vị “giống như thịt bê”, còn con tatu (armadillo) thì “giống như con vịt”. Có lần Darwin cho vào nồi một loài gặm nhấm màu chocolate khá to, ông không biết tên nhưng đoán là chuột agouti, dường như là rất quý. Darwin thưởng thức xong và nhận xét “đây là thịt ngon nhất tôi từng thưởng thức”. 

Ông đặc biệt thích ăn thịt rùa khổng lồ Galapagos, mà ông nói “có hương vị bơ”. Nhóm của ông thường có thịt rùa trong các bữa ăn với nhiều cách nấu nướng và nêm nếm khác nhau. Ông còn uống chất lỏng chứa trong bàng quang của chúng, mà theo ông là “trong suốt và có vị hơi đắng”. Nhiều người cho rằng, các loài bò sát, chim, côn trùng mà chúng ta biết tên, Darwin chắc chắn đã nếm qua chúng.

Hiểu rõ sở thích này của ông, nhóm đồng hành thường làm hài lòng nhà khoa học bằng cách mang cho ông nhiều sinh vật mà họ tìm thấy, để xem ông có ăn không và ông nghĩ gì sau đó. Điều này cũng nhằm mang lại niềm vui cho nhóm, nhưng có một lần nó cũng khiến Darwin toát mồ hôi. Năm 1833, khi họ ở Port Desire, Nam Mỹ, những người trong nhóm quyết định gây bất ngờ cho Darwin bằng một bữa tối Giáng sinh đặc biệt với thịt đà điểu (rhea) nướng. Đây là một loại chim lớn, không biết bay, có nguồn gốc trong khu vực.

Darwin rất hài lòng và mọi người bắt đầu nhấm nháp thịt con chim lớn này, cho đến khi nhà tự nhiên học giật mình hoảng hốt khi nhận ra thực phẩm trong bữa tối là một loài đà điểu nhỏ rất hiếm, có tên là lesser rhea, vẫn chưa được phân loại mà Darwin đang ra sức lùng sục khắp khu vực này để tìm bắt. May mắn thay, ông còn giữ được “đầu và cổ, chân và bộ lông lớn” để đóng thùng và gửi về Anh làm mẫu vật.

Trường hợp kỳ lạ của Charles Darwin và cuộc săn lùng không bao giờ kết thúc để ăn mọi sinh vật mà ông gặp phải là một câu chuyện thú vị mà nhiều người không tìm hiểu kỹ cuộc sống riêng tư của ông có thể không biết.

Thực ra, Charles Darwin không phải là nhà tự nhiên học nổi tiếng duy nhất có thói quen ăn mẫu vật của mình. Một trong những người cùng thời với ông là nhà địa chất học, cổ sinh vật học, người Anh, giảng viên ĐH Oxford, William Buckland, nổi tiếng lập dị, thường giảng bài cho sinh viên trên lưng ngựa và đi đào bới trong trang phục của một nhà học thuật, cũng thích ăn sinh vật lạ bay, bơi, chạy, trượt, hoặc bò trên Trái đất. Ông đã từng ăn nhím châu Âu, cá heo, báo, đà điều, cá sấu, ốc sên biển, kangaroo và chuột, nhưng ưa thích nhất là chuột nướng.

Cập nhật: 12/05/2020 Theo GD&TĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video