Tại sao chúng ta lại phụ thuộc vào nhựa đến như vậy?

Nhựa rất có giá trị, nhưng để bảo vệ môi trường sống, chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp hơn với việc sử dụng nhựa, như kết hợp các loại vật liệu khác và kỹ thuật xử lý chất thải hiện đại.

Nếu bạn đọc bài viết này trên điện thoại di động, bạn có biết rằng khoảng 40% chiếc điện thoại bạn đang cầm là làm từ nhựa đấy.

Từ chiếc quạt trần cho đến gọng kính mà bạn đeo, rất nhiều thứ hữu hình được làm từ nhựa. Nhựa đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và là một phần quan trọng trong nền kinh tế thế giới.


Nhựa được sử dụng rộng rãi vì chúng rất bền.

Tại sao nhựa lại phổ biến như vậy?

Không có gì sai khi nói rằng thế giới hiện đại ngày nay được xây dựng trên nền móng của những viên gạch bằng nhựa. Sựu xuất hiện của nhựa đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trong việc tìm kiếm vật liệu mới. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc nhựa có gì hơn những loại vật liệu còn lại? Và dưới đây là một số lý do hàng đầu:

  • Giá thành rẻ.
  • Có khả năng tái sử dụng.
  • Dễ sử dụng.
  • Ít độc hại.
  • Và cuối cùng là hiếm có vật liệu nào khác có tất cả các đặc điểm trên để cạnh tranh với nhựa.

Hơn nữa, nhựa được sử dụng rộng rãi còn vì chúng rất bền, nói đơn giản là chúng có thể chống lại sự thoái hóa cả về vật lý vẫn hóa học. Ngoài ra, nhựa còn liên quan đến ngành công nghiệp dầu khí và than. Chính vì giá thành rẻ và sự phát triển rộng rãi của những ngành công nghiệp này đã mang lại lợi thế lớn cho nhựa.

Quá trình sản xuất nhựa

Về cơ bản, nhựa là một mảng polymer. Polymer là hợp chất hữu cơ có hai nguyên tố cơ bản là carbon và hydro. Những hợp chất này có thể gắn thêm các nhánh hóa học khác vào. Ngoài carbon và hydro, còn có các nguyên tố khác như oxy, nitơ, lưu huỳnh, phốt-pho… được sử dụng để chế tạo nhựa.


Công thức hóa học của polypropylene (Ảnh: Danijela Maksimovic/Shutterstock)

Nhựa được chế tạo từ khí tự nhiên, than đá, dầu mỏ (do đó khiến chúng không thể tái tạo được). Quá trình sản xuất nhựa gồm nhiều bước, như tinh chế, đúc, tạo khối… và cần có các chất xúc tác đặc biệt để tăng tốc độ phản ứng trùng hợp chuỗi. Trong quá trình phản ứng hóa học xảy ra, các monomer kết hợp với nhau tạo thành polymer, là chuỗi đặc trưng của nhựa.

Mặc dù có khá nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh từ nhựa, tuy nhiên chúng vẫn rất có giá trị. Năm 2019, thị trường nhựa toàn cầu có giá trị khoảng 568,7 tỉ USD. Không may là thị trường nhựa phát triển càng lớn mạnh thì các nguy cơ về ô nhiễm môi trường càng tăng cao. Tuy nhiên, nhựa không phải là nguồn gây ô nhiễm duy nhất. Trước đó, nền công nghiệp giấy đã dẫn đến nạn phá rừng và sử dụng nước quá mức, công nghiệp than liên quan đến ô nhiễm không khí, ngành công nghiệp phân bón thì liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và nhiều ngành công nghiệp khác nữa. Có lẽ, trong thế giới của chúng ta, câu hỏi quan trọng nhất và hợp lý nhất là "Cái nào ít ô nhiễm hơn?" hơn là câu hỏi "Cái này có ô nhiễm hay không ô nhiễm?"


Không phải loại rác nào cũng giống nhau. (Ảnh: SofiaV/Shutterstock)

Tốt hay xấu?

Trên thế giới này, không có gì hoàn toàn lý tưởng. Đầu tiên, nhựa dường như có tất cả các tính chất của một vật liệu lý tưởng nên nó trở nên phổ biến. Tuy nhiên, khi nhựa càng trở thành thứ thiết yếu thì càng khó để loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống. Trong số tất cả các lý do, lý do lớn nhất là chính vì nhựa rẻ. Đúng vậy, đó là vấn đề rất lớn. Việc sản xuất nhựa không tốn quá nhiều chi phí và việc tái chế có khi còn đắt hơn cả việc sản xuất mới. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi mà các công ty không chi tiền để phân loại và tái chế nhựa do việc sản xuất mới có lợi về mặt kinh tế hơn.

Một nguyên do nữa là vì nhựa rất dễ thay đổi thuộc tính. Có rất nhiều các loại nhựa khác nhau như LDP, HDP (dựa trên mật độ nhựa), polystyrene, polypropylene… Dù nhựa có vẻ ngoài tương đối giống nhau, nhưng chúng lại khác nhau về mặt hóa học dẫn đến khó khăn trong quá trình phân loại. Ngoài ra, việc phân loại thủ công càng khiến quá trình tái chế nhựa tốn kém hơn. Để giải quyết vấn đề này, một bộ quy ước các ký hiệu được tạo ra để phân biệt các loại nhựa.

Lại đến một vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Nhựa rất khó phân hủy. Một chiếc cốc nhựa có thể tồn tại đến 50 năm trong đất mà không hề bị mục nát! Đây chính là mặt tối của việc sử dụng nhựa và cũng là lý do nó gắn liền với ô nhiễm môi trường. Các thành phần có trong nhựa được nối với nhau bằng những liên kết rất mạnh mẽ, khiến chúng có khả năng trơ về mặt hóa học. Các liên kết mạnh là những liên kết có năng lượng ổn định và chúng cần nhiều năng lượng hơn để phá vỡ. Vì vậy, các vi khuẩn trong đất không thể phân hủy nhựa làm thức ăn do không có chất dinh dưỡng trong nhựa.


Một trong hàng triệu ứng dụng của nhựa. (Ảnh: Salov Evgeniy/Shutterstock).

Chỉ là một giải pháp

Đến nay, chưa có một vật liệu mới nào có thể thay thế hoàn toàn cho nhựa (hoặc có đi nữa thì liệu nó có phải là một dạng nhựa mới với những vấn đề mới?). Cho đến khi tìm ra vật liệu mới cũng như những kỹ thuật mới để xử lý nhựa, chúng ta có thể tự thay thế nhựa bằng những vật liệu khác khi có thể và tiến hành phân loại rác.

Nhựa mất rất nhiều thời gian để phân hủy, đó là lý do tại sao hàng tấn rác thải nhựa đang gây ô nhiễm đại dương của chúng ta. Tuy nhiên, một mặt khác mà chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, đó là nếu ngay từ đầu con người không xả rác thải xuống biển thì sao? Trong năm 2010, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đã bị con người ném xuống biển trên toàn thế giới.

Trong khi giải pháp sử dụng vật liệu thay thế còn nhiều hạn chế, thì giải pháp tốt nhất hiện nay là ngưng việc xả rác thải nhựa ra sông ngòi, ao hồ, lòng đất… hay bất cứ nơi nào mà không phải điểm thu gom rác thải nhựa. Và cuối cùng là chúng ta phải tích cực tuyên truyền để cộng đồng có thể nhận thức đúng về nguy cơ và giải pháp giải quyết vấn đề này.

Cập nhật: 10/04/2020 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video