Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Tượng khắc đá Đại Túc của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Tượng khắc đá Đại Túc nằm ở huyện Đại Túc thành phố Trùng Khánh, Trung quốc cách trung tâm thành phố khoảng 163 km. Những tượng đá đầu tiên được khắc tại đây là vào khoảng cuối đời nhà Đường. Hệ thống các tượng đá tại đây là kho tàng nghệ thuật của Trung quốc với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bổ ở hơn 40 địa điểm thuộc huyện Đại Túc, trong đó chủ yếu là các pho tượng của đạo Phật, sau đó là Đạo giáo và Nho giáo...
Trong số 08 hang đá lớn trên thế giới được đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới thì có 4 hang nằm trong địa phận Trung Quốc đó là hang Mạc Cao, Hang Long Môn, hang Vân Cương thuộc miền Bắc và khắc đá Đại Túc nằm ở phía Nam. Các chuyên gia cho rằng tượng khắc đá Đại Túc đại diện cho nghệ thuật hang đá thế giới có trình độ cao nhất từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Một số tượng đá tại huyện Đại Túc đồng thời cũng là những tác phẩm cuối cùng của một giao đoạn lịch sử phát triển nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa. Ba hang Mạc Cao, Vân Cương, Long Môn có niên đại sớm hơn đôi chút còn hang đá Đại Túc thì đến thời nhà Đường tức năm 650 mới bắt đầu được thực hiện.
Trong cả quần thể tượng khắc đá Đại Túc có một pho tượng Quan Âm vô cùng đặc biệt. Pho tượng có 1007 cánh tay, được gọi là Thiên hạ kỳ quan. Tượng Quan âm nghìn tay bình thường chỉ có 10 cánh tay trong khi đó bức tượng Quan Âm tại Đại túc được chạm khắc có đến 1007 cánh tay. Các thợ chạm khắc xưa kia đã tạc nên một bức tượng hơn nghìn tay với con số lẻ bởi họ muốn những người xem tin rằng Quan Âm có khả năng làm được mọi việc và có pháp thuật vô biên.
Tại Đại Túc bên cạnh những tượng Phật còn có rất nhiều những bức tượng với các kiểu dáng đặc biệt khác với văn hóa gần gũi với đời sống nhân dân.
Không chỉ có những pho tượng khắc đẹp và độc đáo, đến Đại Túc còn cảm nhận được không khí của một vùng đất thiêng. Bên cạnh đó công trình kiến trúc tượng khắc đá Đại Túc còn cho thấy sự khéo léo vận dụng các nguyên lý khoa học như: lực học, quang học, và vật lý để tận dụng những điều kiện tự nhiên từ nguồn nước, nham thạch... làm nên các pho tượng đẹp, được coi như các tác phẩm nghệ thuật tại Đại Túc.
Mặc dù đã hơn 800 năm trôi qua với nhiều cuộc chiến tranh song di sản văn hóa này vẫn là ánh sáng văn minh của một thời kỳ, là minh chứng cho sự khéo léo, tài ba của những người thợ thủ công cách đây gần nghìn năm.
Tượng khắc đá Đại Túc chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn, quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, các hình thái của 5 vạn pho tượng tại đây cũng vô cùng phong phú. Nội dung được truyền tải chung của các pho tượng có đặc trưng chung là "Người hóa thần, thần hóa người". Trong 13 cảnh quan tại Đại Túc thì có Vịnh Đại Phật là thắng cảnh lớn nhất có giá trị nghệ thuật cao nhất và được quan tâm bảo tồn đặc biệt trong cả quần thể tượng này. Vĩnh Đại Phật là một vách núi cong hình vó ngựa, dài khoảng 500m, rộng 15-30m với hơn 1 vạn pho tượng lớn nhỏ và tấm bia ghi lại lịch sử tạc tượng trên núi Bảo Đinh và lịch sử hình thành Phật Giáo.
Với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc tinh xảo, cho đến nay vào các ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9 âm lịch hàng năm... hàng nghìn người vẫn đổ về đây để thắp hương và vãn cảnh trên Bảo Đỉnh Sơn. Đây cũng là một trong những địa điểm thăm quan du lịch thu hút nhất tại Trùng Khánh, Trung Quốc.