Vì sao mốc 72 giờ quan trọng trong giải cứu nạn nhân động đất?

Ba ngày đầu tiên là mốc thời gian cực kỳ quan trọng đối với những nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát, các chuyên gia cứu hộ động đất cho hay.

Ilan Kelman, Giáo sư về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London, hôm 8/2 cho biết hơn 90% những người sống sót sau trận động đất được giải cứu trong vòng 72 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, con số đó có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào thời tiết, dư chấn và tốc độ các đội cứu hộ cũng như thiết bị có thể đến hiện trường - các yếu tố đang chống lại những nỗ lực ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tính đến sáng 9/2 đã có hơn 15.000 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương sau trận động đất xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria. Với khung thời gian 72 giờ khép lại vào sáng nay, thời gian không còn nhiều cho những người sống sót bị chôn vùi trong đống đổ nát.


Khung cảnh hoang tàn ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất ngày 6/2. (Video: Reuters).

Chấn thương, hạ thân nhiệt và mất nước

"Nói chung, bản thân động đất không giết chết người, cơ sở hạ tầng sụp đổ mới giết chết người", Kelman cho biết.

Chuyên gia ứng phó cứu hộ lưu ý rằng, yếu tố cấp bách nhất là chăm sóc y tế cho những người bị đè dưới các tòa nhà sập trước khi "cơ thể họ suy sụp hoặc chảy máu".

Thời tiết cũng là một yếu tố quan trọng "điều đó hoàn toàn chống lại" những nỗ lực ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các khu vực bị động đất đã phải hứng chịu nhiệt độ đóng băng cũng như mưa và tuyết kể từ thứ Hai.

"Thật đáng buồn, điều này có nghĩa là có thể xảy ra tình trạng hạ thân nhiệt và mọi người có thể thiệt mạng do thời tiết", Kelman nói thêm.

Những người cố gắng vượt qua cái lạnh và vết thương vẫn cần thức ăn và nước uống. Nếu không có nước, nhiều người sẽ mất mạng sau ba, bốn hoặc năm ngày.

Dư chấn xảy ra mà không có cảnh báo trong vài ngày sau trận động đất có thể làm sập thêm các tòa nhà, kéo theo "nguy cơ to lớn và đáng sợ" cho cả những người sống sót và những người đang cố gắng giải cứu họ.


Mesut Hancer nắm chặt tay con gái đã qua đời trong đống đổ nát ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. (Ảnh: AFP).

Sự giúp đỡ tại hiện trường

Kelman nói rằng: "phần lớn những người sống sót được các đội địa phương đưa ra ngoài trong vòng 24 giờ, đa số sử dụng tay hoặc xẻng".

Hàng chục quốc gia đã cam kết gửi các đội tìm kiếm cứu hộ cũng như hàng cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhưng trận động đất xảy ra ở "một khu vực xa xôi, trong vùng xung đột và rất khó đi vào", Kelman cho biết.

Thường mất ít nhất 24 giờ để các đội cứu hộ quốc tế đến, chuẩn bị và bắt đầu làm việc. Vào thời điểm đó, một số lượng lớn nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát có thể đã chết.

Đối với các khu vực bị xung đột gần biên giới Syria, việc tiếp cận còn khó khăn hơn.

"Theo như tôi thấy, các đội cứu hộ thậm chí còn chưa đánh giá đầy đủ nhiều khu vực trong các vùng xung đột chính, hoặc nhiều khu định cư tạm thời cho những người phải sơ tán", Kelman nhấn mạnh.

Làm sao tìm được người sống sót?

Khi đến hiện trường, có nhiều cách để các đội cứu hộ có thể tìm thấy những người sống sót sau trận động đất, bao gồm cả việc sử dụng những con chó đánh hơi qua đống đổ nát. Kelman cho biết một đội chó cứu hộ động đất đặc biệt nổi tiếng từ Mexico đang trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Robot và thiết bị bay không người lái cũng ngày càng được sử dụng nhiều hơn để xâm nhập vào những không gian nhỏ quá nguy hiểm đối với con người.

Sau khi tìm thấy người sống sót, lực lượng cứu hộ phải quyết định cách tốt nhất để đưa họ ra ngoài. Có thể cần đến những thiết bị khổng lồ như cần cẩu để nâng các tấm của tòa nhà bị sập, hoặc đôi khi cần phải cắt bỏ một chi bị đè dưới một cây cột hoặc tảng gạch xây.

Kelman nhấn mạnh, quan trọng hơn cả là sự chuẩn bị từ hàng thập kỷ trước trận động đất để cố gắng ngăn sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng ngay từ đầu.

Trong một chiến dịch cứu hộ quốc tế như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, chi phí trung bình là 1 triệu USD cho mỗi mạng sống được cứu.

Cập nhật: 09/02/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video