Việt Nam có thể sản xuất con giống tôm hùm bông

Trong vòng một năm tới, nếu xử lý được các vấn đề thức ăn, môi trường, Việt Nam có thể sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm.

Chia sẻ tại hội nghị Tìm giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp sáng 25/11, ông Võ Văn Nha, Viện phó Viện Nuôi trồng thủy sản 3, cho biết Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất con giống tôm hùm bông trắng. Đây là đề tài cấp Nhà nước giao cho Viện chủ trì thực hiện.

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu sản xuất con giống tôm hùm bông trắng từ hơn 13 năm trước, nhưng đến năm 2010 thì dừng lại khi con giống đang ở giai đoạn 5 sau 89 ngày ươm nuôi. Để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải đến giai đoạn 12.


Tôm hùm giống bắt ngoài tự nhiên. (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Năm 2018, Viện Nuôi trồng thủy sản 3 khởi động lại. "Tính tới tháng 11 năm nay, nhóm nghiên cứu của Viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi", ông Nha nói. Theo các tài liệu từ trước đến nay, ngay cả của Australia, ấu trùng này cũng cần đến ngày thứ 150.

Tỷ lệ sống hiện tại của ấu trùng là 0,5%, trong khi yêu cầu của đề tài cấp Nhà nước là 0,001%. Ông Nha nói tỷ lệ này cho thấy đó là tín hiệu đáng mừng, trong khi trên thế giới chưa có nước nào công bố sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nha, nghiên cứu đang gặp khó khăn khi ấu trùng tôm chết khi chuyển qua giai đoạn thứ 10. "Nhóm đang tập trung tìm nguyên nhân và chuẩn bị triển khai đợt mới", ông Nha nói.

Hiện nhóm nghiên cứu nghĩ đến hai nguyên nhân, đầu tiên là "nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt" khi ấu trùng lột xác. Nguyên nhân thứ 2, có thể do chất lượng nước, vì tôm nuôi sau 4 tháng thì môi trường bể nuôi có thể gây tác động.

Từ nay tới tháng 11/2024, đề tài cấp Nhà nước trên sẽ kết thúc, ông Nha hy vọng trong một năm tới, xử lý được các vấn đề thức ăn, môi trường thì có thể thành công.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thời gian tới sẽ cùng với Viện Nuôi trồng thủy sản 3 mời các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng tham gia tháo gỡ vướng mắc.

Tôm hùm giống đang phụ thuộc vào nhiều nguồn nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka và Singapore. Năm 2022, Việt Nam nhập 81 triệu con, 6 tháng đầu năm 2023 nhập 59 triệu con.

Khó khăn hiện nay là một số nước cấm xuất khẩu tôm giống nên nguồn cung thiếu ổn định. Trong khi đó nguồn tôm giống khai thác từ vùng biển miền Trung chỉ cung cấp một phần nhỏ nhu cầu thả nuôi.

Tôm hùm bông nằm trong nhóm II, Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam (theo phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP). Hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là nhóm mặt hàng xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan chiếm 1-2%.

Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).

Cập nhật: 27/11/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video