Ấu trùng ve sầu “đại phá” cà phê!

  •  
  • 5.271

Trên 40.000 ha cà phê đang thời kỳ cho trái ở Tây Nguyên bỗng dưng vàng lá, rụng quả, nhiều cây bật gốc vì không còn rễ do ve sầu gây hại. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, khi cây cà phê phát bệnh mà người nông dân và ngành chức năng đều bất lực vì chưa có thuốc đặc trị…!

Côn trùng không sợ thuốc

Ấu trùng ve sầu.

Ấu trùng ve sầu. (Ảnh: ND)

Đã nhiều tháng qua, người dân ở huyện Di Linh - vùng đất vốn được mệnh danh là “vương quốc cà phê
” của tỉnh Lâm Đồng phải sống trong cảnh khó chịu vì tiếng ve sầu kêu đinh tai, buốt óc suốt ngày.

Chưa hết, những người trồng cà phê ở khu vực các xã Tân Châu, Tân Nghĩa, Tân Lạc, Tân Thượng, khu vực Nông trường Đinh Trang Thượng, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) lại phải sống trong lo âu vì hàng chục ngàn hécta cà phê đang cho trái và chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhưng có nguy cơ thất thu do nạn ấu trùng của loài ve sầu gây hại bằng cách ăn mất bộ rễ.

Ông Nguyễn Văn Hải (thị trấn huyện Di Linh) cho biết, nhà có 3 ha cà phê đang trĩu quả đã bị nhiễm bệnh ve sầu với những biểu hiện như: cây không phát triển, vàng lá, lá nhỏ, rụng trái… Ông Hải cũng đã sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để rải, phun cho cây cà phê nhưng vẫn không có hiệu quả.

Còn tại khu vực Nông trường Đinh Trang Thượng, trên 400 ha cà phê của bà con nông dân và nông trường cũng cùng chung hiện tượng, mặc dù nông trường đã sử dụng nhiều biện pháp diệt trừ mà bệnh thì vẫn không giảm. Không ít người như gia đình ông Thái Lộc (Tân Châu, Di Linh) đã mất 20 – 30 triệu đồng để mua thuốc diệt loại ấu trùng này nhưng tiền mất mà cây bệnh vẫn còn.

Một số người còn cho biết là đã trực tiếp bắt những con ấu trùng ve sầu này về để thử nghiệm từng loại thuốc như Pasudin, Phurađăng (loại thuốc diệt côn trùng dùng cho cây lúa), nhưng những con ấu trùng này khi dính thuốc vẫn không chết.

Ông Dương Cựu, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh thừa nhận đây là lần đầu tiên phát hiện bệnh ve sầu gây hại bùng phát trên diện rộng nên chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Theo thống kê mới nhất, toàn huyện Di Linh có tới 29.038/36.000 ha cây cà phê bị ve sầu gây hại.

Ve sầu lây lan trên diện rộng

Ước tính đến thời điểm này đã có trên 1.000 ha ở xã Thống Nhất (huyện Krông Buk, tỉnh Đác Lắc) đã nhiễm bệnh mà người dân lẫn ngành chức năng vẫn còn bó tay.

Cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, Lâm Đồng đang khảo sát mật độ ve sầu trên cây cà phê.

Cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, Lâm Đồng đang khảo sát mật độ ve sầu trên cây cà phê. (Ảnh: ND)

Trong khi đó, mức độ tàn phá và lây lan của loại ấu trùng ve sầu tại huyện Đăk Mil (tỉnh Đắc Nông) đã lên tới mức báo động. Toàn huyện Đăk Mil có 18.500 ha cây cà phê thì đã có đến trên 10.000 ha bị nhiễm.

Các xã bị nhiễm nghiêm trọng nhất là Đức Mạnh, Đức Minh, Đăk N’drót… Một số nơi đã có cây chết đứng. Một số người trồng cà phê ở đây cho biết, ve sầu xuất hiện từ tháng 11-2005 nhưng phải đến tháng 6 và 7-2006 mới rộ lên và sinh sôi với tốc độ rất nhanh, mật độ có nơi lên đến 100 con/gốc.

Điều làm người trồng cà phê ở đây hoang mang vì tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền của – bình quân mỗi sào đã mất trên 600.000 đồng tiền thuốc nhưng không giải quyết được gì.

Chỉ cần làm phép tính đơn, lấy số tiền trên nhân cho 10.000 ha cà phê bị nhiễm ve sầu của Đăk Mil, kết quả là con số 6 tỷ đồng nhưng hiệu quả thu về vẫn là con số không tròn trĩnh, nếu đem nhân cho diện tích bị bệnh của toàn Tây Nguyên thì quả là một tổn thất rất lớn đối với người trồng cà phê.

Nhận diện ve sầu

Một số nhà côn trùng học cho biết, tuy chưa định danh được loài ve sầu ở Di Linh, tuy nhiên đã nhận diện được loài ve sầu ở Đác Lắc có tên khoa học Oncotympana maculaticollis thuộc họ Cicadidae.

Điểm chung của loài ve sầu ở hai địa phương trên có vòng đời như sau: một loại có vòng đời 13-17 năm và loại có vòng đời 2-7 năm. Con cái trưởng thành thường đẻ trứng vào cành nhỏ theo từng chùm còn gọi là ổ trứng, khoảng 10 –20 trứng/ổ, mỗi con cái đẻ 400 – 600 trứng.

Thời điểm phát dục là 4 – 14 tuần tùy theo điều kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, trứng nở rụng xuống đất và ấu trùng sẽ đào hang chui sâu dưới đất 15– 40cm và sống kéo dài 12-17 năm.

Cây cà phê bị ấu trùng ve sầu phá hoại đã bắt đầu vàng lá

Cây cà phê bị ấu trùng ve sầu phá hoại đã bắt đầu vàng lá. (Ảnh: ND)

Ấu trùng ve sầu chủ yếu sống bằng việc chích hút hệ thống rễ của cây cà phê và thường trồi lên mặt đất vào ban đêm. Trong khoảng 13–17 năm, ấu trùng hóa thành ve (vũ hóa) đồng loạt, thời gian vũ hóa vào tháng 4 – 5, một loại vào tháng 7–9, con trưởng thành chỉ sống 2-4 tuần nhờ vào nhựa thân cây.

Anh Trần Nhật Thi, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, người trực tiếp khảo sát bệnh ve sầu trên cây cà phê tại Di Linh cho biết, quá trình đục, cắn rễ và hút nhựa của ấu trùng ve sầu sẽ làm cho cây cà phê mất dinh dưỡng, chậm phát triển. Cây không còn khả năng chống lại các bệnh khác như bệnh nấm, gỉ sắt… cùng lúc cộng hưởng và dễ chết, nhất là vào mùa khô thiếu nước.

Mặc dù đã nhận diện được tác nhân gây bệnh nhưng hiện nay trên thị trường vẫn chưa có thuốc đặc trị, chưa kể là loài ấu trùng này nằm sâu dưới đất nên rất khó tiêu diệt. Gần đây, một nông dân tại Di Linh có tên Đặng Văn Sỉu (khu phố 8, thị trấn Di Linh) như báo SGGP đã đưa tin, trong quá trình tìm tòi đã tìm được loại thuốc Nitốc 30EC có khả năng diệt được ve sầu.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm, để đạt kết quả cao cần phải đánh mặt bồn, điều này sẽ làm đứt bộ rễ non, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê, chưa kể nhiều vùng cao thiếu nước rất khó cho việc phun xịt.

Như vậy, trong khi chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu, bào chế thuốc đặc trị để trị loài côn trùng này thì người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn còn phải đối mặt với nạn ấu trùng ve sầu gây hại.

Ve sầu Oncotympana maculaticollis
Ve sầu Oncotympana maculaticollis (Ảnh: nifty.com)

Theo Sài Gòn giải phóng, Nhân dân
  • 5.271