Bãi rác mới Khánh Sơn: Đầu tư cao, bất cập lắm!

  •  
  • 2.190

Vốn đầu tư hàng triệu USD nhưng qua 2 năm hoạt động, bãi rác mới Khánh Sơn (Đà Nẵng) đã bộc lộ nhiều bất cập.

Ô nhiễm từ bãi rác mới…

Hiệu quả hoạt động hạn chế, một số vấn đề then chốt trong quá trình thiết kế, thi công các công trình cùng nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế sử dụng chưa được quan tâm đúng mức” là nhận định của đoàn kiểm tra hợp phần vệ sinh môi trường (VSMT) thuộc Dự án thoát nước - VSMT do Ban quản lý Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư.


Một góc bãi rác Khánh Sơn Ảnh: HC

Việc kiểm tra hợp phần này (vừa kết thúc trong tuần qua) nằm trong khuôn khổ cuộc kiểm tra toàn diện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đối với toàn bộ dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 41 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới, nhằm làm rõ những khuất tất mà dư luận đã phản ảnh trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Đình Anh, trưởng nhóm kiểm tra cho hay, hợp phần VSMT gồm 5 hạng mục là bãi rác mới Khánh Sơn; trạm trung chuyển rác; nhà vệ sinh công cộng; thiết bị thu gom, vận chuyển rác và tăng cường thể chế cho Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng (đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành dự án từ năm 2007). Kết quả kiểm tra cho thấy ở hầu hết các hạng mục đều bộc lộ sự bất cập.

Ở hạng mục chính là bãi rác Khánh Sơn mới (có diện tích trên 48ha, tổng vốn đầu tư trên 2,8 triệu USD, nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng 8km), đoàn kiểm tra phát hiện so với các tiêu chuẩn VN và nhu cầu sử dụng thực tế đang tồn tại rất nhiều vấn đề như: thiếu hệ thống thu khí biogas, thiếu biển báo cách tường rào bãi rác ít nhất 100m, khoảng cách khu dân cư và vành đai cây xanh không đảm bảo, không có thiết bị rửa xe, bờ đê ngăn cách giữa các hộc rác đô thị do thiết kế quá thấp nên không ngăn được nước mưa tràn vào hộc rác đang vận hành.

Đáng chú ý là tuy hộc rác chất thải nguy hại đã được đầu tư xây dựng nhưng lại “đắp chiếu” không được sử dụng, gây lãng phí; nước thải qua trạm xử lý nước thải ở bãi rác còn ô nhiễm cao, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng và các hóa chất độc hại. Ngoài ra, bể tiếp nhận bùn bể phốt và bơm bùn không bảo đảm; sổ tay vận hành bãi rác cần xem xét lại, đặc biệt là vấn đề thoát nước mưa, vận hành chôn lấp rác và xử lý rác thải nguy hại; vành đai cây xanh của bãi rác đa số là cây phi lao và cây keo lá tràm quá mỏng, hiện số cây đã chết lên tới 30%...

Ông Nguyễn Đình Anh nhấn mạnh thêm: “Quy hoạch bãi rác chưa tính đến tính ổn định lâu dài và có khả năng phát triển các mô hình tái chế, sử dụng rác. Quy trình vận hành bãi rác chưa hợp lý, đặc biệt là xử lý chất thải nguy hại, bùn bể phốt, xử lý nước thải và chôn lấp rác. Không có vùng đệm cách ly bãi rác với khu dân cư nên gây nhiều ảnh hưởng đến người dân. Việc phủ đất không thường xuyên dẫn đến ô nhiễm mùi hôi và phát sinh ruồi, côn trùng, chuột gây dịch bệnh. Không quan trắc chất lượng nước ngầm bên dưới đáy bãi rác nên không đánh giá được hiệu quả bảo vệ nước ngầm của các lót bãi rác!”.

Đến các hẻm trong khu dân cư

Ở hạng mục trạm trung chuyển rác, đoàn kiểm tra phát hiện 2 trạm (Chi Lăng và chợ Đống Đa) có vị trí quy hoạch không hợp lý vì quá gần khu dân cư. Đáng nói là ngay từ khi mới xây dựng, công luận đã nhiều lần lên tiếng về sự bất hợp lý của hai trạm này nhưng các cấp, ngành chức năng của Đà Nẵng vẫn không xem xét. Hậu quả là như ghi nhận của đoàn kiểm tra: “Mùi hôi từ hai trạm này đã gây ảnh hưởng lớn đến người dân chung quanh”. Ngoài ra, còn có hai trạm (Bắc Mỹ An và Thọ Quang) vẫn chưa đưa vào hoạt động được vì chưa có đường cho xe vào trạm!


Dù đã được cảnh báo ngay từ đầu nhưng trạm trung chuyển rác Chi Lăng vẫn được
 xây dựng ngay trong khu dân cư, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người 
dân Ảnh: HC

Theo ông Nguyễn Đình Anh, số lượng 11 trạm trung chuyển rác không đáp ứng nhu cầu thu gom rác tại các khu đô thị khác nhau trong TP. Trên thực tế, Công ty Môi trường đô thị đã phải lập thêm 60 điểm tập kết rác mới (có chức năng tương tự như trạm trung chuyển) và nâng số trạm trung chuyển thực tế trên địa bàn TP lên 71.

Đáng nói là một số “trạm trung chuyển mới” được hình thành ở đầu các hẻm hoặc ở các khu đất trống thuộc khu dân cư Vũng Thùng, khu công nghiệp An Đồn, đường Bạch Đằng Đông, đường Ngô Quyền, đường Phạm Văn Đồng, chợ Mai, chợ Bà Kỳ… gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân và làm mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, hệ thống ép rác tại các trạm trung chuyển thường bị hỏng, thiếu hệ thống hút và xử lý mùi hôi nên càng ảnh hưởng đến người dân chung quanh. Phương thức chuyển rác từ thùng rác lên xe cuốn ép thực hiện tại các đường phố vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa gây mất mỹ quan, đồng thời không khai thác được hiệu quả hoạt động của các trạm trung chuyển…

Với số vốn đầu tư hàng triệu USD từ nguồn vay nước ngoài nhưng thực tế cho thấy hợp phần VSMT của dự án này đang tồn tại rất nhiều bất cập gây mất mỹ quan đô thị và khiến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục đe doạ các hộ dân sống gần bãi rác Khánh Sơn, các trạm trung chuyển rác… Câu hỏi được đặt ra là: Các cơ quan, cá nhân cụ thể có trách nhiệm trong việc triển khai dự án này sẽ chịu trách nhiệm đến đâu, hay Đà Nẵng lại phải vay thêm tiền của nước ngoài đổ vào để khắc phục những bất cập đó?

Theo Vietnamnet
  • 2.190