Bão Pakhar hoành hành tại TP HCM

  •  
  • 1.574

Bão đã suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới nhưng khi vào TP HCM với gió mạnh, mưa lớn đã khiến nhiều nhà bị sập, hàng loạt cây cổ thụ bật gốc, bến phà Cát Lái phải ngưng hoạt động...

Lần đầu tiên sau nhiều năm, người dân Sài Gòn lại chứng kiến một trận bão với mưa dông suốt cả ngày. Mạnh nhất là chiều tối 1/4, gió giật mạnh khiến hàng chục cây cổ thụ bật gốc. Các sự cố xảy ra không gây thương vong về người nhưng khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nhiều khu vực bị mất điện.

Khoảng 17h, một cây điệp đường kính 0,6m trước cửa hiệu giày dép trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) bị bật gốc đổ chắn ngang đường. Liên tiếp sau đó, trên nhiều tuyến đường khác tại trung tâm thành phố như: Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Phạm Hồng Thái, Trương Định… cũng có nhiều cây xanh cổ thụ bật gốc.

Hai xe taxi bị cây đè ở công viên Hoàng Văn Thụ. (Ảnh: An Nhơn)
Hai xe taxi bị cây đè ở công viên Hoàng Văn Thụ. (Ảnh: An Nhơn)

Trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), một cây lim xẹt ngã đè lên taxi hãng Vinasun nhưng rất may không có ai bị thương. Đường Trần Hưng Đạo hàng loạt cây dầu có đường kính hơn mét bật ngốc chắn ngang đường, đè lên đường dây điện. Đến gần 22h, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM đã cắt cây, giải tỏa giao thông.

Cùng thời điểm đó, trên đường Trường Sơn, ngay công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), hàng loạt cây cổ thụ bật gốc, đè lên hai xe taxi 7 chỗ và một xe máy. Không ai bị thương nhưng hai xe taxi bị hư hỏng nhẹ. Các cây xanh vắt ngang đường buộc cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất phải phân luồng dòng xe vất vả trong mưa.

Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dưới chân cầu Bình Triệu, cầu Sài Gòn phía quận 2... nhiều biển quảng cáo, hàng rào chắn của các công trình bị gió cuốn bay nằm la liệt khắp nơi. Đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức) một khung giàn giáo cao hàng chục mét đổ ập xuống.

Nhân viên Công ty Công viên cây xanh TP HCM đã chia đi khắp nơi để nhanh chóng cắt cây giải tỏa hiện trường. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM cũng được phân đi hỗ trợ làm nhiệm vụ khi sự cố xảy ra.

Trong khi đó từ 14h, dông gió nổi lên dữ dội khiến tất cả phà ở bến Cát Lái, nối TP HCM và Đồng Nai, phải ngưng hoạt động. Nếu muốn, người dân phải đi vòng qua quốc lộ 51 để về Đồng Nai và chiều ngược lại về TP HCM, xa hơn gần 100km. Vì thế nhiều người cố chờ bớt mưa gió để qua phà.

Đến 18h, mưa gió càng dữ dội. Bến phà vẫn không thể hoạt động, khiến hàng trăm người phải chịu cảnh lỡ đường. Lãnh đạo quận 2 (TP HCM) đã có mặt chỉ đạo lực lượng đưa người dân về ở tạm tại trường tiểu học Mỹ Thủy (phường Cát Lái, quận 2) để chờ qua phà. Người dân cũng nhận mì tôm và nước uống để chống đói. Phía đầu huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chính quyền địa phương cũng hỗ trợ tương tự.

Tại Cần Giờ, đến chiều cùng ngày, đã có hơn 2.000 người dân của hai xã và thị trấn ven biển là Thạnh An, Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh được đưa đến trụ sở Liên đoàn Lao động, Trung tâm Văn hóa trú bão an toàn. Thống kê ban đầu, ở Cần Giờ, có 4 căn nhà bị sập, 16 căn nhà bị tốc mái, 11 thuyền bị chìm, một thuyền bị trôi, 19 cây xanh đổ và một trụ điện bị gãy.

Người dân Cần Giờ được di dời vào các Trung tâm tránh bão.
Người dân Cần Giờ được di dời vào các Trung tâm tránh bão. (Ảnh: An Nhơn)

Đến 23h cùng ngày, mưa dông ở TP HCM đã giảm. Hiện vẫn chưa có thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão.

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, áp thấp nhiệt đới đã vào TP HCM vào khoảng 15-16h cùng ngày với sức gió mạnh cấp 5-6, lượng mưa ước đạt 50mm. Sau khi quét qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…, áp thấp nhiệt đới sẽ qua Campuchia.

Cập nhật: 10/09/2024 Theo VNE
  • 1.574