20 người chết, 17 người mất tích vì bão Damrey

  •  
  • 6.662

Cơn bão số 12 quét qua Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã khiến 20 người tử vong, 17 thuyền viên mất tích, hơn 500 nhà bị sập.

Chiều 4/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão cho biết, bão Damrey (bão số 12) đã khiến 20 nạn nhân tử vong, 17 người mất tích.

Trong đó, Khánh Hoà có đến 12 người thiệt mạng, tiếp đến là Bình Định và Lâm Đồng (3 người).

Mưa bão cũng làm hơn 500 căn nhà sập, khoảng 23.000 căn bị tốc mái, hư hỏng.

17 người hiện mất tích đều do chìm tàu hàng trên biển. Trong đó, 7 tàu vận tải với 76 thuyền viên bị chìm, gồm: Biển Bắc 16; Hoa Mai 68; Sơn Long 08; tàu khách Jupiter; Hà Trung 98; Nam Khánh 26; Fei Yue 9.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tàu BĐ 95184 với hai lao động trên đường về tránh bão bị hỏng máy, thả trôi tại 13035’ Vĩ Bắc - 109048’ Kinh Đông. Lực lượng chức năng đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến giúp đỡ.

Hai tàu của tỉnh Bình Định thả neo trong vùng nguy hiểm hiện vẫn chưa liên lạc được.

Đến 16h hôm nay, sự cố lưới điện trung hạ thế gây mất điện toàn tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà; tỉnh Bình Định chỉ có huyện Tam Quan còn điện; Đăk Lăk mất điện ở 3 huyện...

Giao thông đường bộ, đường sắt cũng bị ảnh hưởng do bão Damrey. Quốc lộ 1D tỉnh Bình Định bị sạt lở ta luy 10 vị trí với diện tích lên tới 700 m3. Tại Km 1404+100 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam cũng sạt taluy lấp mặt đường giao thông gây tắc hoàn toàn.

Cơ quan chức năng cho hay, hàng chục tàu khách liên tỉnh, nội tỉnh đã phải dừng tại các ga để tránh trú bão. Hành khách được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và đảm bảo an toàn.

9h40

Phó chủ tịch UBND Phú Yên, ông Trần Hữu Thế cho biết, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện đã có vài trường hợp mất tích và hai người thiệt mạng vì bão. Hiện, mưa và gió rất to trên địa bàn tỉnh. "Vài nghìn căn nhà bị tốc mái, ở vung ven biển, gần sân bay sóng đánh 2-5 m, bao trùm cả đường đi", ông Thế cho hay.

Ở Sông Cầu, Tuy An, hơn trăm tàu thuyền neo đậu ổn định trước đó cũng bị sóng đánh chìm. Bè tôm, bè cá bị trôi ra ngoài biển rất nhiều, không kể hết.

9h20

Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Lê Huy Toàn cho biết gần 10 người bị mắc kẹt ở một căn nhà trên đường Phạm Văn Đồng đã được giải cứu an toàn. Tuy nhiên, thành phố đã ghi nhận một trường hợp tử vong do bão. Ông Toàn cho biết, gió to đã làm đổ một bức tường, đè vào một cháu bé gây tử vong.

9h

Hồi 8h30 phút, Công an Khánh Hòa giải cứu thành công 3 người đàn ông kẹt trong đống đổ nát tại dãy phòng trọ thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Các nạn nhân chỉ bị thương ở chân, còn tỉnh táo, hiện trường gạch vữa, mái tôn nằm ngổn ngang.

"Khoảng 5h30 chúng tôi ngồi trong nhà trọ nghe ngóng bão thì tiếng gió rít mạnh lướt qua khiến phòng trọ đổ sập, trời đất tối thui. Chúng tôi kẹt bên trong không thoát ra được", một nạn nhân kể.

Nhà trọ sập, đè ba người bên trong.
Nhà trọ sập, đè ba người bên trong. (Ảnh: Xuân Ngọc).

8h30

Sáng nay, nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngập nặng do mưa lớn. Sau một đêm nín thở đón bão, người dân thức dậy tiếp tục tạt nước ra khỏi nhà, dọn dẹp tôn rơi vãi. Gia đình anh Quách Hưu Thành, phường 7, Tuy Hòa bị bão làm hỏng mái nhà đêm qua. Anh cho biết, tối nay sẽ đưa vợ con đi ở nhờ.

Một tiếng trước, Phú Yên có mưa to, gió lớn. Càng về hướng biển, gió càng rít dữ dội. Các khu vực hạ lưu sông Ba gần biển đang căng mình trước cơn bão. Người dân đi lên thành phố khó về nhà khi đi ngược hướng gió bị nước mưa quật vào mặt.

8h25

Sau khi bão số 12 càn qua, hàng loạt tuyến đường ở TP Nha Trang ngập nặng, nhiều nơi ngập 0,5 m như đường 2/4, đường Lý Thánh Tôn, Hùng Vương…

Do ngập úng, cây xanh ngã la liệt nên giao thông tại TP Nha Trang rất khó khăn. Công an tỉnh Khánh Hòa đang huy động tất cả lực lượng để cứu hộ, xử lý cây xanh ngã đổ.

Chiếc ôtô bị vùi trong mái tôn trên đường 2/4, TP Nha Trang.
Chiếc ôtô bị vùi trong mái tôn trên đường 2/4, TP Nha Trang. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Tuyến đường ở TP Nha Trang ngập sâu trong nước sau bão.
Tuyến đường ở TP Nha Trang ngập sâu trong nước sau bão. (Ảnh: Xuân Ngọc).

8h10: Gần 10 người mắc kẹt trong nhà sập ở Nha Trang

Tại Khánh Hòa, mưa càng lúc càng lớn, gió giật rất mạnh. Hàng chục ngôi nhà tốc mái, cây đổ la liệt. Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Lê Huy Toàn cho hay, ông vừa chỉ đạo phường Vĩnh Hòa xuống hiện trường một căn nhà bị sập khiến gần chục người bị mắc kẹt trên đường Phạm Văn Đồng. Hiện Nha Trang có một cháu bé bị thương nhẹ do bão, chưa ghi nhận thiệt hại nào về người. "Ảnh hưởng của bão rất lớn, nhà cửa tốc mái, cây cối đổ rất nhiều", ông Toàn cho biết.

Một bức tường đổ sập ở Khánh Hòa.
Một bức tường đổ sập ở Khánh Hòa. (Ảnh: Phước Tuấn).

8h

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà

Trong 6 giờ qua, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa to đến rất to. Mưa to sẽ tiếp tục trút xuống khu vực này trong 6-12 giờ tới.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh này là rất cao, đặc biệt ở các huyện: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi);

Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hoà (Khánh Hoà).

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.

7h30

Khu vực Nha Trang - Diên Khánh gió giật cực mạnh, nhiều xe máy đi đường bị quật ngã. "Tôi chạy xe từ Phú Yên vào thấy thật khủng khiếp, xe mái, cột điện, tôn nhà bay tung tóe. Cả đời chưa thấy cơn bão nào lớn thế này", một tài xế cho biết.

Trong khi đó khu vực bến xe phía Nam Khánh Hòa hành khách bỏ chạy tán loạn khi trần nhà bị sập, cửa kính bị gió giật vỡ. Hàng chục hành khách bị kẹt lại do không có xe nào dám rời khỏi bến. Hiện đường sá vắng hoe, không ai dám ra đường.

Sáng 4/11, bão Damrey đã đổ bộ vào khu vực giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Ảnh hưởng của bão, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Ninh Hòa (Phú Yên) gió giật cấp 12, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.

Tâm bão lúc 7h, đang ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15.

Trong 3 giờ tới, bão đi chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h.

Bão số 12 đã gây mưa to đến rát to ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên. Tại Tam Kỳ mưa to 101mm, TP Quảng NGãi 118mm; MDrak (Đăk Lăk) có mưa to 131mm...

6h40

Tại Phú Yên, mưa và gió đã giảm, tình trạng mất điện vẫn xảy ra trên diện rộng. Trong TP Tuy Hòa, cây xanh gãy đổ, bật gốc la liệt kéo theo dây điện nằm la liệt trên đường. Tại xóm Rớ, khu vực có kè bị xói lở, nhiều nhà dân bị tốc mái.

Cây bật gốc trên đường phố Tuy Hòa.
Cây bật gốc trên đường phố Tuy Hòa. (Ảnh: Phạm Linh).

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh cho biết bão vẫn đang mạnh. Sáng nay, một số vùng ở TP Tuy Hòa đã có điện. Theo ông Thế, ngành điện lực chỉ khắc phục một số nơi có khả năng không bị bão tiếp tục tàn phá.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11. Lúc 6h, tâm bão bắt đầu đổ bộ vào Khánh Hòa với gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h.

6h

Trên Quốc lộ 1 từ Cam Ranh về Nha Trang, gió giật dữ dội. Tôn nhà dân hai bên đường tốc mái bay khắp nơi. Hàng loạt cây xanh ngã chắn ngang đường bộ và sắt khiến nhiều xe khách, tàu Bắc - Nam phải dừng lại. Các trụ bơm của cây xăng bị gió quật ngã. Trời đã sáng, nhưng các nhà dân cửa vẫn đóng, không một bóng người.

Tại Ninh Hòa, mưa giảm nhưng gió mỗi lúc càng mạnh khiến nhà cửa, đường điện hư hỏng nhiều hơn. Toàn bộ thị xã bị mất điện, giao thông tê liệt.

Các trụ bơm cây xăng bị gió quật ngã.
Các trụ bơm cây xăng bị gió quật ngã. (Ảnh: Phước Tuấn).

Mái tôn bay chắn ngang đường.
Mái tôn bay chắn ngang đường. (Ảnh: Phước Tuấn).

5h30

Cam Ranh (Khánh Hòa) trời bắt đầu đổ mưa, gió thổi rít ù ù. Nhiều tài xế lái ôtô đang đi vào tâm bão Khánh Hòa Phú Yên tỏ vẻ lo lắng. "Bão vào cũng sợ chứ, ngoài việc lo lắng trên đường còn lo cho gia đình ở Ninh Hòa, không biết vợ con ở nhà có bị gì không", anh Tâm, phụ xe khách tuyến TP HCM - Khánh Hòa, nói.

Phụ xe khách liên tục cập nhật tình hình mưa bão trên đường ôtô chạy.
Phụ xe khách liên tục cập nhật tình hình mưa bão trên đường ôtô chạy. (Ảnh: Phước Tuấn).

Còn tại Nha Trang, trên đường Trần Phú, hàng loạt cây bật gốc nằm la liệt dưới đường. Trong đó, nhà hàng cách tháp Trầm Hương gần 100 m bị cây cổ thụ đè lên mái.

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh - huyện tiếp giáp Phú Yên - cho biết, nhiều ngôi nhà tại xã Vạn Thọ tốc mái, hư hỏng.

Theo bản tin dự báo lúc 5h, do ảnh hưởng của bão Damrey, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 10. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to như: Quảng Ngãi 115 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100 mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90 mm,…

4h ngày 4/11, tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận với gió mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h, đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận sau đó suy yếu dần.

Đến 10h ngày 4/11, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận với gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (75-100 km/h), giật cấp 13.

5h

Gió đang giật mạnh ở Phú Yên. Anh Hội (40 tuổi) ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa nói chưa bao giờ chứng kiến một trận bão nào mà gió lớn như vậy từ sau cơn bão năm 1993. Xã của anh và các xã lân cận đã cúp điện, mọi thứ chìm trong bóng tối.

"Mưa đã nhẹ hơn cách đây một giờ, nhưng gió thổi rất mạnh, ngồi trong nhà vẫn nghe tiếng ù ù. Ngoài đường không một bóng người. Kiểu này tâm bão quét qua thì mọi thứ đổ gục mất", anh Hội nói, giọng lo âu.

Ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa (Phú Yên) gia đình năm người nhà anh Bảo (35 tuổi) không dám ngủ vì lo bão đến. "Gió giật mạnh kinh khủng. Nhiều nhà cấp bốn hàng xóm của tôi, mái ngói tốc luôn rồi. Ngồi trong nhà mà đội nói bảo hiểm vì sợ ngói rơi lên đầu", anh Bảo lo lắng.

Tại huyện An Nhơn, Bình Định, ông Thanh (55 tuổi) cho biết hiện gió giật mạnh, cỡ cấp 9-10. Hiện vẫn còn mưa to, gió lớn. Điện nhà dân đã mất hơn ba giờ, điện đường vẫn sáng. Cũng ở huyện này, một người dân cho biết nhà cấp bốn của họ đã bay ngói. "Có phải bão đã vào rồi không, hay mới vào sơ sơ thôi, mà đã khủng khiếp vậy rồi. Đang chờ tới sáng để chui ra khỏi gầm gường đây", anh này chia sẻ.

4h50: Ninh Thuận

Là địa phương được cảnh báo nằm trong vùng nguy hiểm tương đương Khánh Hòa và Phú Yên, song TP Ran Rang Tháp Chàm giờ mới bắt đầu mưa, gió rít từng hồi nhưng không lớn.

Bờ biển sóng đập mạnh hơn, tuy nhiên vẫn chưa có biểu hiện việc bão ảnh hưởng trực tiếp địa phương này. Anh Nguyễn Văn Hùng - một ngư dân xã Đông Hải - cho biết hiện khu vực nhà ven biển đã được di tản lên nhà người thân ở giữa làng tránh bão đổ bộ. "Mưa gió như vậy thì không hề hấn gì, sợ sáng nay bão đổ bộ vào mới tàn phá", anh Hùng nói.

Bờ biển ở Ninh Thuận đã bắt đầu mưa, gió rít.
Bờ biển ở Ninh Thuận đã bắt đầu mưa, gió rít. (Ảnh: Phước Tuấn).

4h: Hàng loạt nhà tốc mái

Tại nhà văn hóa rộng 300m2 ở cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang có khoảng 150 người được về trú bão từ chiều. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Nhiều trẻ nhỏ ôm chặt mẹ cuộn tròn ngủ trong chăn trong khi nhiều người khác ngồi ngóng bão. Chính quyền hỗ trợ mì tôm và nước nóng để dân lót dạ đêm khuya.

Bên ngoài, mưa càng thêm nặng hạt, gió rít từng đợt kéo dài. Trên các tuyến đường tại Hòn Rớ, cây xanh, bảng hiệu ngã đổ la liệt, nhiều nhà tôn tốc mái.

Tôn tốc mái bay khắp nơi ngoài đường ở Hòn Rớ (Nha Trang).
Tôn tốc mái bay khắp nơi ngoài đường ở Hòn Rớ (Nha Trang). (Ảnh: Xuân Ngọc).

Hàng trăm người dân Hòn Rớ (Nha Trang) trú bão ở nhà văn hóa.
Hàng trăm người dân Hòn Rớ (Nha Trang) trú bão ở nhà văn hóa. (Ảnh: Xuân Ngọc).

3h

Cấp độ rủi ro thiên tai chỉ sau mức thảm họa

Gió vẫn giật càng lúc càng mạnh ở TP Tuy Hòa. Nhiều căn nhà phát ra tiếng rung bần bật, mái tôn va vào nhau chát chúa. Một số khu vực bị cúp điện, người dân cầm đèn pin mở cửa xem bão nhưng nhanh chóng rút vào nhà khi thấy cảnh đổ nát bên ngoài.

Trước nguy cơ bão Damrey đổ bộ vào tỉnh Phú Yên, nước dâng do bão ở ven biển 0,5-1 m, sóng có thể cao 6-8m, Phó chủ tịch Trần Hữu Thế bày tỏ lo ngại: "Chúng tôi đang lo nhất là khu vực cửa Đà Diễn và Đà Nông ở TP Tuy Hòa vì sóng đang phủ rất mạnh. Trước đó, 800 m đoạn đê ngăn với khu dân cư đã bị cuốn. Tuy đã đổ đá khắc phục nhưng vẫn lo không chịu nổi".

Theo ông Thế, do địa bàn nằm trên tâm bão nên nhiều khu vực ven biển sẽ bị ảnh hưởng nặng như điểm nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô, Tuy An, đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Đa phần ngư dân đã được vận động chằng chống đối phó bão. "Cơn bão lần này cấp độ gió lớn hơn mọi năm nhưng được cái dân bớt chủ quan nên việc chuẩn bị tốt hơn", ông Thế nói.

Bão Damrey đang hoành hành ven biển Phú Yên - Khánh Hòa.
Bão Damrey đang hoành hành ven biển Phú Yên - Khánh Hòa.

Theo Trung tâm dự báo khí tương thủy văn Trung ương, lúc 2h30 các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 8. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to (Quảng Ngãi 107 mm), Tam Kỳ (Quảng Nam) 51 mm.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão ở 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa được nâng lên cấp 4 - chỉ sau mức thảm họa.

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 13h, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 13.

Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

2h30: Nha Trang sơ tán dân trong mưa

Cây đổ ở Nha Trang.
Cây đổ ở Nha Trang. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Mưa, gió rít liên hồi, mỗi lúc mạnh hơn. Biển động, sóng đánh dữ dội. Cây xanh dọc đường Trần Phú bị gió quật sơ xác.

Chia sẻ đến PV, anh Thương (ngụ TP Nha Trang) cho biết thức trắng đêm bởi hồi hộp đón bão. "Gió gầm rú, mưa vẫn chưa to lắm nhưng điện ở chỗ tôi cúp rồi", anh nói.

Cùng ở thành phố biển này, cả đêm chị Trang phải đứng giữ cái cửa nhà, cảm giác như gió muốn thổi bay mất. "Gió giật mạnh, khu phố của tôi lại nằm trong vùng dự báo gió cấp 12, giật cấp 15. Không biết lát bão vào có trụ được không", chị tỏ ra lo lắng.

2h20, gần chục hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở ở Hòn Rớ được chính quyền đưa đến nơi cao ráo. Hệ thống điện được cắt để đảm bảo an toàn.

Tại trụ sở UBND tỉnh Khánh Hoà, Chủ tịch Lê Đức Vinh cùng các lãnh đạo khác túc trực, theo dõi diễn biến bão Damrey - được cho đổ bộ vào đây. "Công tác ứng phó bão triển khai đồng loạt xuống các địa phương. Hiện chúng tôi theo dõi để sớm phản ứng khi bão ập đến", ông Vinh nói.

1h30: Cây đổ đè hàng loạt dây điện ở Phú Yên

Cây đổ đè đứt dây điện.
Cây đổ đè đứt dây điện. (Ảnh: Phạm Linh).

Mưa càng lúc càng lớn tại TP Tuy Hòa, Tây Hòa... Ngoài đường không một bóng người. "Gió quật vào cửa ầm ầm khiến gia đình tôi không thể ngủ, cảm giác bão sắp vào đến nơi rồi", anh Hội (25 tuổi) ở Tây Hòa cho biết.

Trên đường Trần Hưng Đạo, gần UBND phường 7 (TP Tuy Hòa), nhiều cây xanh bật gốc, đè đứt hệ thống dây điện rơi vung vãi. Trước cổng Học viện Ngân hàng phân hiệu Phú Yên, một số biển quảng cáo bị gió thổi bay; cổng chào ghiêng ngả, giật liên hồi trong mưa gió.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết đã nhận được thông tin, yêu cầu ngành điện lực xử lý tình huống đứt dây điện tránh nguy hiểm cho người dân. "Khu vực này đã được rà soát, hiện bão đang vào, không có người dân đi lại trên đường nên chúng tôi cũng bớt lo", ông nói.

0h30: Phú Yên mưa dữ dội

Tại bờ biển phường 7, TP Tuy Hòa, mưa mịt mùng. Sóng cao gần 5 m cuồn cuộn ập vào bờ, tung bọt trắng xóa. Những hàng dương liễu bị gió cuốn nghiêng ngả. Tỉnh Phú Yên được dự báo là một trong hai khu vực bão Damrey đổ bộ vào với cấp gió 12.

"Mưa hơn 2 tiếng rồi, giờ đang mạnh lên. Mưa to, gió giật liên hồi khiến hàng tre trước phòng trọ của tôi ngả rạp như sắp gẫy", chị Huyền Trâm ngụ phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết.

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên - cho biết, các khu vực phía Nam của tỉnh được dự báo có khả năng bị thiệt hại nặng là: TP Tuy Hòa, huyện Tuy Hòa và huyện Đông Hòa; TP Tuy Hòa, huyện Tuy An và sông Cầu có khả năng xảy ra sạt lở bờ biển do triều cường.

Trước đó, tỉnh đã di dời 4.000 hộ dân với 18.000 người ở các vùng gần sông, biển, đặc biệt là các hộ nuôi bò trên sông Ba. "Biện pháp chủ yếu là di dời tại chỗ chứ không phải di dời tập trung. Bà con được đưa đến nhà người thân cách vùng nguy hiểm vài trăm mét", ông Thế nói.

Từ hôm kia thủy điện bắt đầu được xả lũ, hiện mức xả lũ là 3.000 m3/giây và sẽ duy trì mức xả này đến sáng mai. "Chúng tôi đã thông báo cho người dân biết và những ai ở vùng nguy hiểm cũng đã được di dời", ông Thế thông tin.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 0h ngày 4/11 tâm bão còn cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 170 km về phía Đông. Gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão lên đến 135km/h (cấp 12), giật cấp 15.

Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15km/h.

0h10: Mưa nhiều giờ tại Khánh Hòa

Mưa tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu mạnh, kèm gió lớn. Tuy nhiên, trên một số tuyến phố ở nội đô vài công nhân vẫn tất bật dọn vệ sinh.

Đường Trần Phú, dọc biển, sóng đánh khá mạnh. Cột sóng có chỗ cao hơn 2m - nhất là phía Quảng trường 2 Tháng 4.

Tại các phường, địa phương tăng cường lực lượng túc trực. Thanh niên xung kích chốt các trụ, phản ứng nhanh khi bão ập đến.

"Theo dự báo rạng sáng 4/11 bão ập đến Khánh Hoà, lãnh đạo tỉnh chia thành nhiều tổ đến từng địa phương hỗ trợ phản ứng, phòng chống bão. Để đảm bảo an toàn cho dân, từ 22h đêm qua tỉnh đã phát lệnh cấm người dân ra đường", một lãnh đạo tỉnh cho hay.

Công nhân vệ sinh làm việc trên đường phố Nha Trang.
Công nhân vệ sinh làm việc trên đường phố Nha Trang. (Ảnh: Xuân Ngọc).

0h5

Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tốc độ di chuyển của bão Damrey chậm lại một chút và nhiều khả năng tâm bão sẽ đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa vào sáng sớm mai.

"Trong tối nay chúng tôi đã ghi nhận mưa lớn xảy ra ở một số nơi như Thành phố Quảng Ngãi: 60 mm, Tam Kỳ: 23 mm. Ở Quy Nhơn, Tuy Hòa, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 6", ông cho biết.

Trong khi đó, theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 22h ngày 3/11, tâm bão cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió gần tâm bão mạnh đến 135km/h (cấp 12), giật cấp 15.

Đường đi của bão Damrey.
Đường đi của bão Damrey. (Ảnh: NCHMF).

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 14-17 km/h. Sáng sớm 4/11 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 10h, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận và vẫn giữ nguyên cấp độ gió.

Bão Damrey sau đó tiếp tục theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 4/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực miền Nam Campuchia. Lúc này, gió gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống còn cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Cấp độ rủi ro thiên tai cơn bão là cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4, chỉ sau mức thảm họa.

Cập nhật: 04/11/2017 Theo VnExpress
  • 6.662