Bất chấp sự nguy hiểm của cá sấu, rái cá mẹ lao vào tấn công để bảo vệ con non

  •  
  • 341

Bất chấp cá sấu há miệng đe dọa, rái cá vẫn nhiều lần lao vào tấn công, có khả năng để bảo vệ con non.

Iain McDonald nghe thấy tiếng gầm lớn phát ra từ phía bên kia bờ sông trong lúc pha trà ở khu trại Mayukuyuku, công viên quốc gia Kafue, Zambia, Mail hôm 20/4 đưa tin. McDonald sau đó phát hiện "chủ nhân" của tiếng gầm là con cá sấu dài khoảng 2,5 m. Nó đang phải đối phó với một con rái cá.

Trong video do McDonald ghi lại, rái cá lao đến cắn đuôi cá sấu. Không sợ hãi trước kẻ săn mồi to lớn đang há miệng đe dọa, rái cá lại tiếp tục tấn công. Lần này, con vật nhỏ cắn vào mình cá sấu.

Rái cá cắn đuôi cá sấu
Rái cá cắn đuôi cá sấu.

"Tôi đã rất bối rối, rõ ràng rái cá đang đùa với lửa. Nhưng khi xem lại video, rái cá có vẻ rất tinh ranh. Nó tấn công vào đuôi cá sấu và tránh được hàm răng sắc nhọn. Lý do duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến là rái cá có con non gần đó và đang cố gắng xua đuổi cá sấu. Tôi không nghĩ nó mạo hiểm mạng sống chỉ để chơi đùa, nhưng cũng không thể khẳng định chắc chắn", McDonald chia sẻ.

"Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp rái cá ở châu Phi. Tôi đã lắp camera trên giá đỡ hướng ra sông Kafue trong lúc pha trà ở trại. Tôi nghe thấy tiếng gầm và tưởng là một con sư tử đứng ở bên kia sông. Nhưng thật ngạc nhiên, đó lại là một con cá sấu lớn gầm với rái cá", anh nói thêm.

Sau cuộc đụng độ, rái cá di chuyển ra xa vài mét và uống nước, sau đó lao vào bụi rậm. Cá sấu nằm lại lâu hơn một chút rồi cũng bò xuống sông, McDonald cho biết.

Có 4 loài rái cá sống ở châu Phi gồm rái cá cổ đốm (Hydrictis maculicollis), rái cá không vuốt châu Phi (Aonyx capensis), rái cá không vuốt Congo (Aonyx congicus) và rái cá thường (Lutra lutra). Rái cá không vuốt Congo thường ăn những thứ tương đối mềm như ếch, trứng, động vật có xương sống nhỏ trên cạn, trong khi ba loài còn lại chủ yếu ăn cá, ếch và động vật giáp xác nhỏ. Cả 4 loài đều được xếp vào nhóm "sắp bị đe dọa" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Cập nhật: 23/04/2022 Theo VnExpress
  • 341