Món đồ tùy táng nguyên vẹn đến khó tin là một báu vật khảo cổ lớn, giúp các nhà khoa học mở thêm một cửa sổ để nhìn vào thế giới huyền thoại của người Viking.
Theo Heritage Daily, ngôi mộ cổ bất thường của người nữ quý tộc Viking đã được khai quật tại miền Nam Na Uy, có niên đại vào khoảng năm 850-950 sau Công Nguyên, tức giữa thời đại Viking.
Một phần là một căn phòng nhỏ bằng gỗ, phía trên đánh dấu bằng một gò đất dài. Phía trong mộ, người đã khuất nằm yên nghỉ xung quanh nhiều đồ vật mà người ở lại chuẩn bị cho họ để mang về thế giới bên kia.
Công cụ dệt truyền thống Viking là một trong những món đồ tùy táng đặc sắc được tìm thấy trong mộ - (Ảnh: NTNU).
Theo nhà khảo cổ học Raymond Sauvage từ Bảo tàng Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), đây là một mộ phần bất thường bởi người Viking Na Uy không có thói quen tạo nên những ngôi "mộ phòng". Dạng mộ này thường được tìm thấy ở Đan Mạch cổ đại.
Người phụ nữ này an nghỉ giữa rất nhiều đồ vật có giá trị, bao gồm hàng trăm viên ngọc trai. Trong mộ, số ngọc tập trung ở vai trái của cô, nên các nhà khảo cổ nghĩ rằng đó có thể từng là một chiếc vòng cổ ngọc lớn, phức tạp được đeo cho người chết.
Bên trong ngôi mộ - (Ảnh: NTNU).
Nhưng báu vật lớn nhất đối với các nhà khảo cổ là một tấm vải đường kính khoảng 11cm, là phần còn lại của một bức tranh thêu. Tìm được vải, hơn nữa lại còn hình thêu nguyên vẹn trong một ngôi mộ 1.100 tuổi dường như là điều không tưởng.
Phân tích kỹ hơn các đồ vật còn lại trong ngôi mộ, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy tàn tích của 8 loại vải khác nhau về cấu trúc, chất lượng và hình thức.
Theo Acient Origins, những báu vật bất ngờ này đem lại cái nhìn sâu sắc và hiếm có về trang phục của phụ nữ Viking cổ đại, cũng như là bằng chứng của ngành dệt may phát triển và đa dạng của tộc người huyền thoại này.
Các mẩu vải sẽ tiếp tục được phân tích thành phần hóa học để hiểu rõ sợi vải có nguồn gốc từ đâu, cũng như cách người Viking đã nhuộm nên tấm áo và chỉ thêu đa sắc màu.