Bệnh 'chim sệ cánh' ở trẻ em có thể do tiêm chủng

  •  
  • 1.714

Nửa năm sau khi bệnh teo cơ delta ở trẻ em huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được phát hiện, tình hình căn bệnh này vẫn nóng lên từng ngày ở nhiều địa phương. Ông Trần Văn Lạng, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, nguyên nhân gây bệnh có thể là do tiêm chủng.  

- Theo ông, những yếu tố nào có thể dẫn đến teo cơ delta?

-

Bệnh nhân bị teo cơ delta

Bệnh nhân bị teo cơ delta
(Ảnh: ND)

Theo tôi, có lẽ do tiêm. Trước đây tôi đã được học và được cho biết rằng cứ tiêm vào cơ delta, ở đó có thần kinh mũ, thì sẽ ít đau. Nhưng hình như chúng ta đã dồn tiêm vào đó quá nhiều. Chứ không có vi trùng, virus gì tác động vào đó. Nguyên nhân chắc chắn là do cơ học, do mình tiêm nhiều thứ vào một địa điểm. Tôi nghĩ tác động đó là chủ yếu. Nếu tiêm tản ra, mũi tiêm vào đùi, mũi tiêm vào bắp tay... thì có lẽ không sao. Còn tiêm dồn một chỗ thì dứt khoát có những tác động nhất định.

- Trong cuộc làm việc của các nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu bệnh teo cơ delta tại Hà Tĩnh, đã có những ý kiến cho rằng teo cơ delta là do tiêm một số thuốc có dầu hoặc các thuốc như lincomicin, steptomycin... Ông nghĩ như thế nào?

- Rõ ràng là những thuốc có dầu tiêm vào sẽ bị ảnh hưởng, vì sau khi được tiêm thuốc có dầu người được tiêm sẽ rất buốt. Buốt vì nó ảnh hưởng đến thần kinh. Nếu tiêm nhiều thuốc có dầu thì sẽ rất có hại.

- Còn nguyên nhân tiêm văcxin, thưa ông?

- Tôi chưa nghĩ đến, vì văcxin buộc phải đạt chuẩn, liều lượng tiêm lại rất nhỏ, mà cả thế giới người ta tiêm chứ không riêng gì Việt Nam. Ở đây tôi muốn nói đến việc tiêm nhiều thứ vào một chỗ, có thể có thuốc nọ, thuốc kia và có cả văcxin chứ không riêng gì văcxin.

- Trước đây Vụ Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng nên nghiên cứu môi trường những vùng có nhiều người mắc teo cơ delta xem có vấn đề gì không, ông nghĩ sao?

- Chắc là không, các cháu sinh ra đều bình thường cả. Chỉ có tác động bằng tiêm thôi chứ không có yếu tố nào khác tác động. Như tôi đã nói, về giải phẫu học, ở chỗ cơ delta có thần kinh mũ, ít báo hiệu đau nên người ta hay tiêm ở đó để đỡ đau. Vùng cơ delta bị tác động sớm, tác động nhiều nên teo và sệ đi.

Bản thân tôi hồi chiến tranh từng bị thương ở tay trái, sau đó khi phải tiêm đều buộc phải tiêm vào tay phải. Tay phải của tôi hiện khó vận động, có một mảng cơ bị căng, thỉnh thoảng trở trời thấy tê. Ở lứa tuổi đã trưởng thành như tôi thì hậu quả chỉ có vậy, nhưng nếu ở tuổi nhỏ hơn thì có thể có hậu quả gì khác chăng?

-  Thế còn chất lượng thuốc có ảnh hưởng gì không, thưa ông?

- Rõ ràng có ảnh hưởng. Như tôi vừa nói tiêm thuốc có dầu vào bắp là bất đắc dĩ. Tôi làm y tế dự phòng thấy người ta cũng hay tiêm vào vùng cơ delta này. Chưa kể mũi tiêm nông sâu cũng bị ảnh hưởng. Tiêm sâu thì đỡ buốt hơn nông, nhưng nó lại tác động đến thần kinh nhiều hơn.

- Chương trình tiêm chủng mở rộng và cả các “văcxin dịch vụ” khiến trẻ em phải tiêm hàng chục lần, chưa kể lúc trưởng thành. Theo ông, phải làm sao để tránh những hậu quả do tiêm?

- Nên có quy chế nhất định về việc tiêm ở những chỗ nào. Nhiều khi tiêm bắp, tiêm dưới da cứ lẫn lộn. Rồi tiêm nông, sâu cũng không rõ ràng. Ngay cả một số trường hợp tiêm văcxin BCG, lớp da trẻ rất mỏng mà yêu cầu là phải tiêm trong da, nhưng chỉ một tí là xuống dưới da và như vậy là gây loét rất lớn, nhưng tiêm đúng thì chỉ có một vết rất nhỏ. Kỹ thuật tiêm cũng không phải đơn giản.

- Ngày 10/5 đã có bé trai mới hơn 1 tuổi tử vong sau khi được tiêm văcxin. Theo ông, khâu vận chuyển và bảo quản văcxin ở VN có đảm bảo?

- Đi kiểm tra thì thấy văcxin đến tận tuyến xã, phường cũng được bảo quản trong dây chuyền lạnh. Nhưng những lúc không đi kiểm tra thì cũng không biết như thế nào. Rồi văcxin chuyển từ xã xuống các thôn, bản để tiêm không biết có đảm bảo hay không. Có điều công tác bảo quản văcxin không tốt thì việc tiêm phòng coi như bằng không, cuối cùng mình tiêm nước lã chứ không phải văcxin.

Không loại trừ là một số nơi văcxin không đảm bảo chất lượng. Nhất định có những nơi làm ẩu. Có người chỉ đạo thì tốt, nhưng không thì chưa chắc đâu. Đừng nói rằng tiêm 100 là cả 100 tốt. Cho nên trước mỗi chiến dịch tiêm chủng, người ta phải chuẩn bị rất chu đáo, phải nói rõ cho phụ huynh biết tiêm như thế là buổi chiều cháu có sốt, có đau...

Sốt người ta chấp nhận, tiêm không tốt làm trẻ bị chảy máu người ta có thể chấp nhận, nhưng để trẻ tử vong là sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tiêm chủng. Chuẩn bị không tốt, không chu đáo là rất nguy hiểm. 

Sáng 11/5, GS.TS Nguyễn Trọng Hiếu, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), cho rằng nguyên nhân làm teo cơ delta là tiêm vào dây thần kinh ở cơ delta. Một nguyên nhân nữa là do lạm dụng K-cort để điều trị các bệnh dị ứng, điều trị hen, hội chứng khớp...

Tiêm K-cort làm đỡ đau ngay nên có rất nhiều bác sĩ coi đây như “bí quyết” điều trị của mình, để tăng thêm uy tín cá nhân mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có trên 2.000 người mắc teo cơ delta ở khoảng 10 địa phương. Địa phương mới nhất phát hiện được trẻ em mắc bệnh là tỉnh Bắc Giang. Hiện đã có 1.200 trẻ được phẫu thuật và có một số nhà tài trợ liên hệ với Quĩ Bảo trợ trẻ em VN nhằm tài trợ phẫu thuật cho một số cháu trong mùa hè này.

Tuy nhiên, số trẻ mắc bệnh sẽ không ngừng tăng lên bởi Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê khẩn trương số người mắc bệnh, báo cáo Bộ Y tế trước 25/5. Bên cạnh nguyên nhân do tiêm vào cùng cơ delta, nhiều chuyên gia y tế còn cho rằng chất lượng văcxin và chất lượng thuốc cũng là những nguyên nhân quan trọng gây nên căn bệnh này ở trẻ em.

Theo Tuổi Trẻ, Vnexpress
  • 1.714