Bí ẩn cô gái được chôn cùng hơn 150 bộ xương động vật

  •  
  • 93

Các nhà khảo cổ ở Kazakhstan vừa khai quật được mộ của một cô gái thời đồ đồng và rất nhiều đồ vật chôn cùng, trong đó có rất nhiều xương động vật được cho rằng có thể được người quá cố sử dụng ở thế giới bên kia.

Kể từ năm 2017, các nhà nghiên cứu đã làm việc tại địa điểm khai quật, nằm ở Ainabulak, một ngôi làng ở phía đông của Kazakhstan. Kể từ đó, họ đã phát hiện hơn 100 ngôi mộ có niên đại từ Thời đại đồ đồng, bao gồm cả ngôi mộ có cô gái mà họ tìm thấy vào ngày 2/8, theo The Astana Times của Kazakhstan.

Mặc dù các nhà nghiên cứu biết rất ít về danh tính của cô gái, nhưng sự giàu có của các hiện vật trong ngôi mộ của cô tiết lộ manh mối về địa vị của cô trong cộng đồng Thời đại đồ đồng ở đất nước Trung Á kéo dài từ năm 3200 trước Công nguyên và 1000 năm trước Công nguyên, theo Oxford Academic.

Ngôi mộ có hài cốt của cô gái vị thành niên và nhiều bộ xương của động vật.
Ngôi mộ có hài cốt của cô gái vị thành niên và nhiều bộ xương của động vật. (Ảnh: Bộ Khoa học và Đại học Kazakh).

Rinat Zhumatayev, nhà khảo cổ học và trưởng Khoa Khảo cổ học, Dân tộc học và Bảo tàng học tại Đại học Quốc gia Al-Farabi Kazakh ở Kazakhstan, người dẫn đầu cuộc khai quật, cho biết: “Cô gái được chôn ở phía bên trái. Có những chiếc khuyên tai ở cả hai tai và những hạt cườm quanh cổ cô ấy".

Việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của bộ xương cho thấy, cô gái này khoảng 12 đến 15 tuổi khi chết. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra rằng, cô được chôn cất cùng với 180 chiếc xương cựa (mắt cá chân) - có thể là của cừu hoặc gia súc cùng một số chuôi kiếm bằng kim loại, một chiếc gương và một chiếc bát bằng đồng.

Tục lệ chôn xương cựa

Tuy nhiên, một đồ vật nổi bật hơn cả đối với các nhà khảo cổ học là chiếc đĩa đồng được chạm khắc hình con ếch ở giữa. Phát hiện này đánh dấu lần đầu tiên một vật thể như vậy được phát hiện ở Kazakhstan.

Zhumatayev nói: “Hình ảnh con ếch có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với nhiều dân tộc kể từ thời cổ đại. Nó gắn liền với hình ảnh người phụ nữ lao động và sùng bái nước... nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác định ý nghĩa thực sự của nó".

Các nhà nghiên cứu cũng bị lôi cuốn bởi số lượng lớn các mảnh xương động vật được chôn trong ngôi mộ. Mặc dù, họ đã nhìn thấy những ngôi mộ chứa hài cốt động vật trên thảo nguyên Á-Âu, thường là chôn cất trẻ em và thanh thiếu niên, việc hàng trăm bộ hài cốt được chôn cùng với cá nhân này thật quá xa hoa.

Một số nhà khoa học cho rằng, việc chôn xương cựa là một phần của "tục lệ sùng bái" và xương được sử dụng trong quá trình thiền định. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác cho rằng, xương là biểu tượng của hạnh phúc và may mắn và là mong muốn chuyển đổi thành công từ thế giới này sang thế giới khác.

Ngoài khu chôn cất này, các nhà khảo cổ còn có một khám phá đột phá về một kim tự tháp có đáy hình lục giác ở vùng Abai, phía bắc địa điểm này. Zhumatayev cho biết, tất cả những phát hiện này có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng đối với việc nghiên cứu giai đoạn đầu của Thời đại đồ đồng.

Cập nhật: 30/10/2023 Tiền Phong
  • 93