Năm 1963, tại làng Drinkuer ở cao nguyên Cappadocia cách cố đô Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ 360km về phía Đông Nam, một nông dân khi đào đất trong vườn nhà vô tình phát hiện ra một cửa hang.
Nếu đi sâu vào hang qua 8 tầng hành lang có thể nhìn thấy một thành ngầm còn nguyên vẹn. Hai bên đường hầm đan xen ngang dọc được xây dựng vô số nhà ở, có nhà thờ, ngõ ngách, giếng nước và phòng cất giữ lương thực, thậm chí còn có cả nhà ngầm chuyên làm nơi mai táng. Trong hang có 52 lỗ thông gió hướng lên mặt đất được ngụy trang rất tinh vi, mấy địa đạo làm lối thoát hiểm được cấu tạo rất kỳ diệu.
Các cột đá đều được trang trí điêu khắc những hoa văn. (Ảnh: cromwell-intl)
Theo dự tính, thành ngầm quy mô như vậy có thể bảo đảm an toàn cho 2 vạn người sống trong đó. Cách đây 2 năm, một mê cung có quy mô giống như thành ngầm Cappadocia ở gần Kemeckli cũng đã được khai quật. Điều khiến người ta bất ngờ ở đây là: 2 thành ngầm này chính là một chỉnh thể nối liền nhau thông qua một địa đạo dài 10km.
Đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 36 thành ngầm với các quy mô khác nhau. Thành ngầm nhỏ có thể gọi là làng ngầm đủ để làm chỗ ở cho mấy chục gia đình, còn lớn nhất vẫn là 2 thành ngầm có quy mô như thành phố được nối liền với nhau ở cao nguyên Cappadocia. Hiện nay công tác khai quật vẫn đang được tiến hành, theo dự tính có khoảng hơn 100 thành ngầm sẽ được tìm thấy.
Trước khi phát hiện ra thành ngầm, ở Cappadocia các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn giáo đường ngầm trong tầng nham thạch. Các giáo đường này được đục ở trong các ngọn núi đá nhỏ hoặc trên các vách đá cao. Có những giáo đường khá khang trang, nham thạch được đục rất công phu điệu nghệ thành cổng vòm, hình trụ, hình chóp. Từng tấc trên bề mặt và các cột đá đều được trang trí điêu khắc những bức họa và hoa văn. Chúng được vẽ rất sống động, minh họa những câu chuyện trong Kinh thánh và cả những truyền thuyết dân gian cũng như tôn giáo phương Đông. Thậm chí đến cả đồ dùng gia đình như đàn tế, bàn ăn, ghế tựa, giường ngủ trong phòng đọc sách, phòng ngủ và các bếp của các đạo sỹ sống ở đây đều được làm bằng đá.
Vậy, các thành đá ngầm này được hình thành như thế nào, những đồ dùng bằng đá trong các phòng đã được chế tạo như thế nào?
Với trình độ lao động thủ công thuần túy mà những người thợ thời đại đó đã đục được các gian phòng lớn như vậy trong núi đá vôi rất cứng? Lẽ nào do tinh thần kiên trì họ đã chiến thắng sức mạnh thiên nhiên, và trải qua nhiều thế hệ họ mới hoàn thành các công trình này. Nhưng, cũng có thể do các ngọn núi lửa có quy mô lớn ở Cappadocia thời kỳ cổ đại phun nham thạch hình thành các đường hầm. Sau đó, con người đục đào thiết kế thêm mới tạo thành các thành ngầm này. Đó chính là kết quả tác động gữia sức mạnh của con người kết hợp với sức mạnh của thiên nhiên.
Như vậy, những cư dân sống sớm nhất trong các thành ngầm này là ai? Chắc chắn họ không phải thổ dân mà là người ở vùng đất xa xôi khác đến đây lánh nạn. Sở dĩ họ chọn Cappadocia bởi vùng đất này hoang vắng không có dấu chân người nên không gây sự chú ý của người bên ngoài. Dân trong làng lúc đầu dùng đá xây dựng nhà cửa, nhưng sau đó họ phát hiện ra không nhà nào vững chắc bằng nhà được đục trực tiếp bằng đá, lúc đầu là ngoài bề mặt núi đá, sau đó họ dần xây dựng vào trong lòng núi và mở rộng ra thành ngầm.
Thời kỳ đế quốc Byzantine, chỉ có vùng Cappadocia là nơi luôn an toàn. Những tín đồ Cơ đốc và giáo sỹ thành kính các nơi đều tìm về Cappadocia lánh nạn. Do vậy, vùng Cappadocia bỗng nhiên trở thành một thánh địa, những người muốn tu đạo, truyền đạo hay muốn cư trú tất yếu phải xây dựng nhiều giáo đường, viện tu đạo và các làng ngầm đã khiến cho quy mô các thành ngầm không ngừng được mở rộng.
Cuối thế kỷ XII hoặc đầu thế kỷ XIII, đế quốc Byzantine dần bị diệt vong. Người Cappadocia bắt đầu trốn chạy bốn phương, cũng có thể họ chạy đến miền Tây cùng sống với người Cơ đốc giáo, cũng có thể họ đổi tôn giáo đến sống chung với những người Đạo Hồi ở những thôn làng Ả Rập,..
Thực ra, từ cuối thế kỷ XVII, một vị sứ giả của Vua Louis XIV nước Pháp đã phát hiện ra các thành trì ngầm và giáo đường trên cao nguyên Cappadocia. Ông quay về châu Âu tuyên bố phát hiện quan trọng này nhưng không ai tin, mọi người còn cho rằng ông bị điên. Không đầy một thế kỷ sau, số người phát hiện ra các thành trì và giáo đường ngầm càng nhiều thì cũng là lúc vùng Cappadocia dần trở nên nổi tiếng. Những tín đồ hành hương về đất thánh đông như trảy hội, các nhà khảo cổ học cũng tốn không biết bao công sức với vùng đất này. Tuy nhiên, các thành trì ngầm đã được xây dựng như thế nào và cư dân sớm nhất sinh sống ở đây từ đâu đến rồi họ đi đâu cho đến nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Hình mô phỏng thành phố ngầm Derinkuyu.