Bí quyết sống sót qua thời thơ ấu của khủng long?

  •  
  • 1.616

Titanosaur thuộc nhóm những sinh vật to lớn nhất từng bước đi trên trái đất, với một số mẫu vật nặng hơn 100 tấn. Người ta phát hiện các vảy xương lốm đốm trên da chúng, nhưng để làm gì thì vẫn là điều bí ẩn.

Một nghiên cứu mới đây trên các phôi của loài này đã cho thấy vảy xương tạo thành lớp "áo giáp", giúp bảo vệ các sinh vật khổng lồ trong thời kỳ non dại đối phó với những kẻ ăn thịt.

Nhà cổ sinh vật học Thiago Marinho tại Đại học liên bang Rio de Janeiro đã phân tích dữ liệu trên những quả trứng của titanosaur được tìm thấy ở Patagonia (Argentina) năm 1997. Họ nhận thấy trên da của các bào thai trong những quả trứng này có một số mấu lồi. So sánh với da của phôi cá sấu, các nhà khoa học phỏng đoán những mấu lồi đó có thể sẽ sắc nhọn dần để trở thành các vảy xương.

Tuy nhiên, các vảy xương bắt gặp trên những con titanosaur trưởng thành thì quá nhỏ và xốp, không đủ để tạo thành lớp áo bảo vệ thực thụ. Do vậy, Marinho cho rằng lớp "áo giáo" vảy xương sẽ có ích hơn nhiều ở những con khủng long còn non, giúp chúng đối phó với những miếng cắn của những tên kẻ cướp như các loài khủng long ăn thịt theropod hoặc các sinh vật tiền sử giống cá sấu.

Một con Titanosaur niên thiếu, với các vảy xương trên lưng được các nhà khoa học cho là giúp nó tự vệ trước những cú cắn của các con ăn thịt.

Một con Titanosaur niên thiếu, với các vảy xương trên lưng được các nhà khoa học cho là giúp nó tự vệ trước những cú cắn của các con ăn thịt. (Ảnh: LiveScience)

"Mặc dù titanosaur thuộc nhóm những động vật to lớn nhất trên đất liền, chúng tôi vẫn cho rằng chúng nở ra từ những quả trứng chỉ có đường kính 30 cm", Marinho nói. Những quả trứng này là to so với tiêu chuẩn ngày nay, song không đủ để chống lại những con khủng long ăn thịt. Và bộ áo giáp bằng các vảy xương có thể sẽ hiệu quả giúp chúng tự vệ trước những con theropod cỡ nhỏ.

Marinho hình dung khi titanosaur lớn lên, chúng hấp thụ nhiều canxi để hình thành bộ xương khổng lồ, trong đó có cả canxi dành cho các vảy xương, khiến các vảy xương trở nên xốp và rỗng hơn.

Vảy xương tạo thành lớp áo giáp, giúp bảo vệ các sinh vật khổng lồ trong thời kỳ non dại đối phó với những kẻ ăn thịt.
(Ảnh: LiveScience)

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 1.616