Thông thường, các triệu chứng không nghiêm trọng có thể tự khỏi.
Một số người sau khi ăn đồ ăn chứa nhiều mì chính có thể cảm thấy bị say. Đây là hội chứng khá phổ biến khi cơ thể nhạy cảm với mononatri glutamate (MSG), gây ra một hoặc nhiều triệu chứng bao gồm: khát nước, rát miệng, nhức đầu, toát mồ hôi, nhịp tim nhanh, chóng mặt, buồn nôn, bủn rủn chân tay, khó thở, tức ngực…
Hội chứng say mì chính có thể kéo dài vài phút cho đến cả tiếng đồng hồ, cá biệt có người bị triệu chứng nặng tới vài ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học đánh giá mì chính nhìn chung là an toàn. Nó được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng mà không hạn chế liều lượng.
Nếu bạn là một người mẫn cảm với MSG, cách tốt nhất để tránh bị say mì chính là không ăn nó nữa. Mặc dù vậy, đa số các loại thực phẩm ngày nay đều ít nhiều chứa mì chính. Xúc xích, thực phẩm đóng hộp, khoai tây chiên… đều được cho thêm mì chính để điều vị.
Chưa kể nếu lỡ ăn ngoài, các hàng quán thường cho nhiều mì chính, hoặc bột nêm chứa mì chính, vào thức ăn để hợp khẩu vị của đa số thực khách. Vậy có bí quyết gì để tránh bị say mì chính nếu bạn mẫn cảm với MSG hay không?
Theo Jane Leonard, một bác sĩ tại London, uống nhiều nước hoặc thuốc giảm đau có thể làm dịu cảm giác say mì chính. Nhưng còn có 2 bí quyết vô cùng hiệu quả mà mọi người ít biết đến, đó là uống trà gừng và trà bạc hà.
Trà gừng và bạc hà có thể giúp giảm triệu chứng say mì chính.
Mì chính là một dạng của axit glutamic, nó cũng có mặt tự nhiên trong các loại thực phẩm bao gồm: phô mai, thịt, cá, nấm, cà chua và quả óc chó… Thậm chí, ngay cả trong cơ thể con người cũng có chứa tới 2 kg MSG.
Mặc dù vậy, MSG được sử dụng như một hương liệu bổ sung, chất điều vị trong thực phẩm có thể gây tác động khó chịu cho một số người.
Khoa học ngày nay cũng không biết tại sao mì chính có thể khiến một số người bị say, còn một số khác thì không. Ngay cả những người thường cho rằng họ bị say mì chính, nếu ăn thực phẩm mà không biết trong đó chứa mì chính, đôi khi cũng không gặp phản ứng gì.
Một nghiên cứu của Đại học Yeonsung và Kyung Hee ở Hàn Quốc, xuất bản năm 2014, đã tổng hợp lại các triệu chứng khó chịu mà mọi người báo cáo sau khi ăn mì chính. Theo đó, cảm giác phổ biến nhất mà họ gặp phải là khát nước, thấy buồn ngủ, bủn rủn chân tay, đau đầu và cảm thấy nôn nao như bị ốm.
“Một số người gặp các triệu chứng, chẳng hạn như đau đầu và đổ mồ hôi, sau khi ăn ở nhà hàng Trung Quốc [thường các nhà hàng Trung Quốc ở phương tây hay cho nhiều mì chính]”, bác sĩ Leonard cho biết. “Cộng đồng y tế đã từng gọi nhóm triệu chứng này là hội chứng nhà hàng Trung Quốc. Các bác sĩ giờ đây gọi nó là phức hợp triệu chứng MSG”.
Bác sĩ Leonard cũng cho biết thêm rằng nghiên cứu khoa học về hội chứng say mì chính còn khá hạn chế. Trái lại, các trường hợp báo cáo hoặc kể lại ít mang tính khoa học về nó lại rất nhiều. Lí do vì hội chứng say mì chính thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi, trước cả khi người gặp phải nó cần hỗ trợ y tế.
Một trong những trường hợp say mì chính cá biệt được báo cáo năm 2017 trên Tạp chí Indian Journal of Critical Care Medicine. Đó là một nam thanh niên 23 tuổi ở Mahad miền bắc Ấn Độ, được cho là đã mất giọng và mất khả năng nuốt sau khi ăn mì chính.
Nam thanh niên này đã đến bệnh viện trong tình trạng nói khó khăn và không thể nuốt nước bọt. Các bác sĩ nhận thấy miệng của anh ta sưng lên, và ghi nhận nó là hậu quả của việc anh này ăn cơm rang Trung Quốc có mì chính vào đêm hôm trước.
Nam thanh niên phàn nàn rằng sau đó anh đã bị chóng mặt, đổ mồ hôi và ngứa ngáy khắp cơ thể. Nhưng sau khi đến bệnh viện và được hỗ trợ, anh ta đã sớm bình phục.
Mì chính là một dạng của axit glutamic, ngay cả cơ thể người cũng chứa 2kg mì chính tự nhiên.
Bác sĩ Leonard gợi ý, nếu mọi người cảm thấy những triệu chứng nhẹ của hội chứng say mì chính, họ nên uống trà bạc hà hoặc trà gừng.
Trà gừng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Nó thường được dùng để giảm nghén ở phụ nữ mang thai và phản ứng phụ ở những bệnh nhân ung thư hóa trị.
Các nhà khoa học cũng không chắc chắn tại sao trà gừng có thể làm dịu dạ dày và giảm buồn nôn. Giả thuyết rằng gừng có một thành phần giúp kiểm soát nồng độ serotonin trong não - có liên quan đến cảm giác nôn mửa - hoặc nó cũng có thể giảm viêm trong ruột.
Trong khi đó, trà bạc hà được cho là có khả năng phân giải chất béo trong hệ thống tiêu hóa, làm giảm buồn nôn.
Ngoài ra, bác sĩ Leonard nói rằng những người gặp hội chứng say mì chính cũng nên uống nước để giữ cho cơ thể họ đủ nước. Nếu đau đầu nặng, họ nên nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau. Trường hợp cần hỗ trợ y tế là khi các triệu chứng trở nên nặng, ví dụ như khó thở, tức ngực hoặc dị ứng toàn cơ thể.
Nếu bạn bị dị ứng với mì chính, cách duy nhất để ngăn ngừa các triệu chứng là cắt bỏ những thực phẩm có chứa mì chính. Nếu không bạn có thể thử với một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể.
Những người bị dị ứng với mì chính cũng nên lưu ý khi lựa chọn trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt đóng gói và chế biến (ví dụ xúc xích), khoai tây chiên, súp và nước kho,... vì các loại thực phẩm này có chứa khá nhiều mì chính.
Những người đặc biệt nhạy cảm với mì chính cũng có thể cần tránh những thực phẩm có chứa lượng glutamate tự nhiên cao như phô mai, thịt kho, nước hầm xương, cá và động vật có vỏ, nước mắm và dầu hào, protein đậu nành, xì dầu, nấm, cà chua chín và nước ép cà chua, nước ép nho, lúa mạch mạch nha, óc chó.
Bạn cũng không nhất thiết phải kiêng hẳn những thực phẩm giàu glutamate có thể cần hạn chế, bổ sung với lượng vừa phải.
Nhìn chung, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về việc mì chính có gây hại cho sức khoẻ hay không nhưng triệu chứng đau đầu sau khi ăn mì chính có diễn ra và khá nhiều người gặp phải. Mặc dù không nghiêm trọng nhưng các triệu chứng say mì chính có thể gây khó chịu. Do đó, những người nhạy cảm với mì chính có thể cân nhắc loại bỏ gia vị này khỏi chế độ ăn.