Các biện pháp tránh thai bằng hormone như thuốc uống hàng ngày và cấy que có thể làm tăng 38% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Càng sử dụng các biện pháp tránh thai bằng hormone, phái đẹp càng dễ bị ung thư vú. Theo CNN, đây là kết luận mới được các nhà khoa học từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đưa ra sau 11 năm phân tích dữ liệu của 1,8 triệu nữ tình nguyện viên dưới 50 tuổi.
Cụ thể, trên tờ New England Journal of Medicine, nhóm tác giả cho biết phụ nữ "kế hoạch" bằng thuốc uống, thuốc tiêm và que cấy dưới một năm có nguy cơ ung thư vú tăng 9%. Nếu kéo dài thời gian sử dụng trên 10 năm, rủi ro lên tới 38%.
Thuốc uống hàng ngày là biện pháp tránh thai phổ biến song lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. (Ảnh: HU).
David Hunter, giáo sư dịch tễ học và y khoa tại Phòng Sức khỏe Dân số Nuffield (Anh) cho biết mối quan hệ giữa thuốc tránh thai và ung thư vú đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, công trình của nhóm nhà khoa học Đan Mạch đã chứng tỏ "không phương pháp nào không đem tới rủi ro", kể cả những phương pháp mới như cấy que.
Dù tránh thai bằng hormone đẩy cao nguy cơ ung thư vú, giáo sư Hunter trấn an phái đẹp rằng các rủi ro sẽ giảm dần khi ngừng sử dụng. Hơn nữa, trên thực tế, ung thư vú vẫn tương đối hiếm gặp ở phụ nữ trẻ. Còn nếu đã bước vào tuổi 50-70, thời điểm nguy cơ ung thư vú lên cao nhất, tránh thai hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến cơ thể.
Bên cạnh đó, ông Hunter chỉ ra tránh thai bằng hormone giúp đẩy lùi ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư đại trực tràng. "Tác dụng này kéo dài 1-2 thập kỷ trong khi nguy cơ ung thư vú không tồn tại lâu", vị giáo sư nhận định. "Nhìn chung, các biện pháp này có thể đem tới nhiều lợi ích hơn tác hại".
Để hỗ trợ chị em bảo vệ sức khỏe, giáo sư Hunter khuyến nghị phụ nữ từ cuối tuổi 30 trở đi nên thảo luận với bác sĩ về các biện pháp tránh thai không tác động đến hormone. Ngoài ra, ông kêu gọi giới khoa học đẩy mạnh nghiên cứu nhằm tìm ra cách "kế hoạch" tối ưu, hoàn toàn không gây hại.