Bill Gates, Google hỗ trợ nghiên cứu chỉnh sửa DNA để chữa các bệnh di truyền

  •  
  • 626

Bill Gates và nhiều tên tuổi khác trong làng công nghệ đã đầu tư 120 USD vào một dự án nghiên cứu phương pháp chỉnh sửa gen để chữa các bệnh liên quan đến di truyền.

Dự án nghiên cứu thay đổi DNA để chữa bệnh

Editas Medicine Inc. vừa báo cáo cho biết họ đã nhận được 120 triệu USD từ các nhà đầu tư để hỗ trợ nghiên cứu phát triển một công nghệ chính xác có khả năng chỉnh sửa DNA và điều trị các chứng bệnh do di truyền.

Dự án này thu hút sự đầu tư của rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ như Boris Nikolic, trưởng cố vấn khoa học và công nghệ của Microsoft Corp, Bill Gates (đồng sáng lập Microsoft), Katrine Bosley (CEO một công ty công nghệ sinh học)…

Bill Gates, Google hỗ trợ nghiên cứu chỉnh sửa DNA để chữa các bệnh di truyền

Ngoài ra, còn có một số nhà đầu tư khác như quỹ đầu tư mạo hiểm Deerfield Management Co., Fidelity Management & Research Co. Trong vòng gây quỹ thứ hai, Editas cho biết số lượng các nhà tài trợ đã tăng gấp 3 lần so với lần đầu (2013), bao gồm cả Flagship Ventures và Polaris Partners.

Editas, có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts là một công ty đang phát triển phương pháp trị bệnh được biết đến với tên gọi là công nghệ CRISPR-case.9. Công ty đang cố gắng sử dụng phương pháp này để sửa chữa các gen bị lỗi dẫn đến chứng loạn mắt ở người và làm việc với Juno Therapeutics Inc. cho các phương pháp chống ung thư tế bào. Editas chưa tiến hành các thử nghiệm trên người và họ từ chối đưa ra một lộ trình cụ thể cho các nghiên cứu của mình.

CRISPR giúp các nhà khoa học chỉnh sửa các bộ gen của con người một cách chính xác bằng cách cắt bỏ phần DNA lỗi và thay thế bằng một thành phần hoàn chỉnh. Công nghệ này được đánh giá là có giá thành rẻ và dễ tiến hành hơn một số công nghệ khác đang được nghiên cứu và phát triển hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối phương pháp này, họ kêu gọi ngăn cấm việc tác động lên DNA của tinh trùng, phôi và trứng của con người. Những người phản đối lo ngại phương pháp này sẽ can thiệp vào quá trình sinh sản tự nhiên của con người. Tuy nhiên, đại diện Editas cho biết nghiên cứu sẽ chỉ hướng đến việc chữa bệnh cho con người chứ không can thiệp vào các mầm mống của sự sống như một số người lo lắng.

CRISPR có "khả năng áp dụng rộng rãi", Jim Flynn, quản lý của Deerfield, đối tác đã đầu tư 20 triệu USD vào dự án cho biết. Bên cạnh Editas, một số công ty công nghệ sinh học khác cũng nghiên cứu việc chỉnh sửa bộ gen bao gồm CRISPR Therapeutics, Cellectis SA, Intellia Therapeutics Inc và Precision BioSciences Inc.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 626