Bộ não của các thiên tài hoạt động như thế nào? (1)

  •   44
  • 16.462

Albert Einstein, Isaac Newton hay Mozart đều là những thiên tài. Vậy bộ não của họ hoạt động như thế nào? Có khác với những người bình thường hay không?

>>> Thiên tài khác người thường như thế nào?

Năm 1905, Albert Einstein phát triển thuyết tương đối. Ông cũng chứng minh sự tồn tại của nguyên tử và khám phá ra ánh sáng hoạt động dưới cả dạng hạt và dạng sóng. Trên hết, cũng trong cùng năm đó, ông đã tìm ra phương trình nổi tiếng E = mc² miêu tả mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng. Einstein đạt được những thành tựu đó khi mới chỉ có 26 tuổi.


Albert Einstein

Không còn nghi ngờ khi kết luận Einstein là một thiên tài. Cũng giống như nhà vật lý học Isaac Newton, ông đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển tích phân, môn học khiến rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp thu. Một nhà thiên tài nữa, Wolfgang Amadeus Mozart, bắt đầu sáng tác nhạc khi ông mới 5 tuổi. Mozart đã viết hàng trăm bản nhạc trước khi ông mất ở tuổi 35 vào năm 1760.


Isaac Newton

Theo quan niệm thông thường, những nhà thiên tài thì thường khác người. Họ có thể suy nghĩ tốt hơn và nhanh hơn những người khác. Thêm vào đó, nhiều người cho rằng do những sức mạnh phi thường từ não bộ khiến họ có những hành động lập dị và kì cục. Mặc dù không khó để phát hiện ra thiên tài nhưng việc xác định được điều khiến cho một người trở thành thành thiên tài thì vô cùng khó. Tìm hiểu nguyên nhân khiến một người trở thành thiên tài vẫn còn là bí ẩn khó giải đáp.

Có 2 điều khiến việc nghiên cứu các thiên tài trở nên khó khăn:

- Việc xác định thiên tài vẫn rất chủ quan. Một số người cho rằng ai có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn bình thường thì người đó là thiên tài. Số khác cho rằng bài kiểm tra IQ chỉ đo lường được một phần hạn chế của trí thông minh con người. Vài người lại tin rằng kết quả IQ cao thì chẳng xác định được một người có là thiên tài thật sự hay không.

- Khái niệm thiên tài vô cùng trừu tượng. Hầu hết việc nghiên cứu khoa học và y khoa đều dựa trên số liệu và thông tin chi tiết. Lĩnh vực trừu tượng như xác định thiên tài thì không dễ để định lượng, phân tích hay nghiên cứu.

Vậy nên, trước khi tìm hiểu các nhà thiên tài suy nghĩ và làm việc như thế nào, điều đầu tiên nên định nghĩa chính xác “thiên tài” là gì. Trong khuôn khổ bài viết này, một nhà thiên tài không chỉ đơn giản là có chỉ số IQ cao, thay vào đó một nhà thiên tài là người thông minh vượt trội và người đó đã phá vỡ những quy luật thông thường bằng những khám phá, phát minh hay tác phẩm nghệ thuật của mình. Tóm lại, một nhà thiên tài phải vừa thông minh và có khả năng sử dụng sự thông minh đó một cách có hiệu quả và ấn tượng nhất.

Nhưng điều gì khiến cho một con người có khả năng làm được những điều đó? Có phải do sự khác biệt về não bộ, hay do sự thông minh phi thường? Hay do năng lực chú ý những thông tin mà người khác coi đó là không liên quan? Chúng ta sẽ bắt đầu tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên với việc tìm hiểu não bộ con người.

Thiên tài và bộ não

Não bộ điều chỉnh các hệ thống cơ quan của cơ thể. Khi bạn di chuyển, não gửi đi các tín hiệu thông qua các dây thần kinh và bảo cơ bắp phải làm gì. Não của bạn kiểm soát các giác quan: thính giác, khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác và bạn trải nghiệm, xử lý cảm xúc thông qua não bộ. Trên hết, trí não cho phép bạn suy nghĩ, thu thập thông tin và giải quyết các vấn đề. Nhưng làm thế nào não khiến chúng ta thông minh?

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được tất cả các chức năng của não, nhưng họ đã xác định được phần nào giúp bạn nghĩ. Vỏ não, phần ngoài cùng của não bộ, là nơi hình thành tư tưởng và lý luận. Đó là chức năng cao hơn của não, chức năng thấp hơn, liên quan đến các kĩ năng sinh tồn, thì nằm ở sâu hơn bên trong não.

Vỏ não là phần lớn nhất của não và nó có các nếp nhăn cùng các nếp gấp giúp cho phép nó vừa trong hộp sọ. Nếu bạn gỡ bỏ và kéo dài bộ não của 1 người trưởng thành, nó sẽ lớn bằng mấy trang giấy báo. Não được chia thành nhiều thùy, và mỗi vùng khác nhau trong thùy thì sẽ xử lý các công việc khác nhau. Sau đây là sơ lược chức năng của các thùy não:

- Thùy trán: ngôn ngữ, ý nghĩ và trí nhớ.

- Thùy đỉnh: cảm giác từ cơ thể.

- Thùy thái dương: thông tin thính giác từ đôi tai.

- Thùy chẩm: thông tin thị giác từ đôi mắt.

Vỏ não có ảnh hưởng to lớn đến cách bạn suy nghĩ, nhưng nghiên cứu chính xác làm thế nào vỏ não khiến cho bạn thông minh thì vô cùng khó khăn, bởi:

- Rất khó để tiếp cận được não, vì nó được bọc sâu trong hộp sọ.

- Công cụ để quan sát não bộ, chẳng hạn như hình ảnh cộng hưởng từ máy móc, yêu cầu một người hoàn toàn trong trạng thái bất động. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ để quan sát hoạt động não của người trong các hoạt động thực tế cuộc sống.

- Não bộ, giống như tất cả các cơ quan trong cơ thể, trải qua những thay đổi sau khi một người chết. Những thay đổi này có thể khiến việc so sánh não bộ trong lúc còn sống và lúc chết trở nên khó khăn. Ngoài ra, kiểm tra sau khi chết không thể đánh giá hoạt động của não.

Bất chấp tất cả những thách thức này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một vài điều về cách thức bộ não ảnh hưởng đến trí thông minh. Một nghiên cứu năm 2004 tại Đại học California, Irvine cho thấy khối lượng chất xám ở các bộ phận của vỏ não đã có một tác động lớn đến trí thông minh hơn các phần khác của não. Điều này cho thấy các thuộc tính vật lý của các bộ phận cấu thành nên não bộ - chứ không phải là một "trung tâm trí thông minh" tập trung - quyết định trí thông minh của một người.

Một phân tích năm 1999 bộ não của Albert Einstein dường như cũng ủng hộ lý thuyết này. Não của Einstein nhỏ hơn so với bộ não trung bình một chút. Tuy nhiên, các bộ phận của thùy đỉnh ở não của ông rộng hơn so với não của hầu hết mọi người. Các khu vực lớn hơn đó trong não của ông có liên quan đến toán học và lý luận không gian. Thùy đỉnh của não bộ Einstein không có vết nứt - vết mà được tìm thấy trong bộ não của hầu hết mọi người. Các nhà phân tích đưa ra giả thuyết rằng, sự vắng mặt của vết nứt có nghĩa là các vùng khác nhau của não bộ của ông có thể giao tiếp tốt hơn.

Một bài báo năm 2006 trên tạp chí "Tự nhiên" đưa ra giả thuyết rằng cách não bộ phát triển thì quan trọng hơn kích thước của bộ não. Vỏ não của một người trở nên dày hơn trong thời thơ ấu và mỏng hơn trong tuổi niên thiếu. Theo nghiên cứu, não bộ của trẻ em có chỉ số thông minh cao thì dày lên nhanh hơn so với những đứa trẻ khác.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, ở một mức độ nào đó, trẻ em thừa hưởng trí thông minh từ cha mẹ. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng điều này là do cấu trúc vật lý của bộ não có thể là một đặc điểm di truyền. Ngoài ra, quá trình cố gắng trở nên giỏi một việc gì đó vừa yêu cầu và khuyến khích bộ não của bạn hoạt động để xử lý công việc đó tốt hơn.

Mặc dù các nhà khoa học không chắc chắn chính xác nhưng rõ ràng rằng bộ não đóng một vai trò trong việc xác định trí thông minh của một người. Nhưng sự khác biệt giữa thiên tài và trí thông minh là gì? Và điều gì khiến cho một người thông minh hơn người khác? Chúng ta sẽ cùng xem sự liên hệ giữa trí thông minh và thiên tài ở phần tiếp theo.

Hút thuốc làm giảm trí thông minh

Theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2004, người hút thuốc và đã từng hút thuốc thì sẽ không làm kiểm tra tốt bằng người không hút thuốc. 465 người đã thực hiện một thử nghiệm đo khả năng nhận thức vào năm 1947 ở tuổi 11. Từ năm 2000 đến 2004 họ làm lại bài kiểm tra một lần nữa. Dựa trên kết quả, việc hút thuốc gây ra sự sụt giảm 1% trong chức năng nhận thức. Có thể giải thích cho sự tương quan này là hút thuốc tạo nên những tổn thương về phổi dẫn đến ít khí oxy cho não của con người.

Những em bé thông minh

Sau khi nghiên cứu cho thấy rằng nghe nhạc Mozart có thể làm tăng chỉ số IQ, nhiều bậc cha mẹ bắt đầu cho con mình nghe nhạc Mozart, hy vọng sẽ tận dụng lợi thế của "hiệu ứng Mozart". Một lời giải thích cho “hiệu ứng” này là âm nhạc làm cho con người tỉnh táo và cảnh giác. Mặt khác, việc nghe nhạc Mozart và việc xử lý các lý luận toán học hay không gian đều dựa vào các tế bào thần kinh tương tự nhau trong não.

Theo Genk
  • 44
  • 16.462