Hiện có tình trạng sử dụng bùn thải ở các khu công nghiệp để bón cho cây xanh. Đây được xem là việc làm nguy hiểm vì loại bùn này đầy chất độc hại. Khi gặp nước mưa, chúng sẽ ngấm đất, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và chất lượng đất.
Lấy mẫu nước thải ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM).
(Ảnh: Báo Đất Việt)
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Thị Vân Hà, Bộ môn Quản lý môi trường, khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong đề tài nghiên cứu đánh giá rủi ro ô nhiễm từ các khu công nghiệp (KCN) tại TP.HCM.
Theo TS Hà, việc sử dụng bùn thải từ các trạm xử lý nước thải tập trung để bón cho cây xanh như hiện nay nhiều đơn vị đang áp dụng là không thể tiếp tục. Nguyên nhân trong bùn này còn có nhiều loại chất nguy hại, khi gặp nước mưa sẽ ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm và chất lượng đất.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy dịch chiết từ bùn thải trên có hàm lượng COD (chất hữu cơ trong nước); hàm lượng kim loại nhôm, sắt, crôm, niken, kem và đồng cao.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra các KCN Hiệp Phước, Tân Bình, Lê Minh Xuân, Tân Tạo và khu chế xuất Tân Thuận là những nơi tạo ra nguy hiểm cao với ô nhiễm nguồn nước. Những KCN được đánh giá có mức nguy hiểm thấp hơn có: Bình Chiểu, Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái 2, Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi, Tân Thới Hiệp.
Tuy nhiên, nước thải từ các KCN, khu chế xuất được đánh giá đều mang độc tính nhẹ đến trung bình. Nước thải của ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá có độc tính cao nhất, kế đến là sản xuất giấy có xeo, nước thải thuộc da. Nước thải xi mạ và dệt nhuộm được cho là có độc tính thấp.