Để nuôi con khôn lớn và bảo vệ chúng an toàn, các bà mẹ động vật đã có những biện pháp rất độc đáo, kể cả hi sinh.
Tình mẫu tử thiêng liêng không chỉ hiện hữu ở con người, các loài động vật khác dù không sở hữu những cung bậc cảm xúc phức tạp như người nhưng chúng vẫn có tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ dành cho những đứa con bé bỏng.
Để nuôi con khôn lớn và bảo vệ chúng an toàn, các bà mẹ động vật đã có những biện pháp rất độc đáo. Các nhà sinh vật đã liệt kê ra cách nuôi con của một số bà mẹ động vật:
Bạch tuộc mẹ canh giữ trứng trong 6-7 tháng - (Ảnh: Pinterest).
Bạch tuộc mẹ hi sinh nhiều nhất cho đàn con. Mỗi lứa đẻ, bạch tuộc mẹ cho ra 50.000 quả trứng, phải mất đến 40 ngày trứng mới nở thành con.
Suốt quãng thời gian đó, bạch tuộc mẹ chỉ quanh quẩn chỗ đám trứng để bảo vệ đàn con tương lai, chốc chốc nó lại nhẹ nhàng thổi những luồng nước vào đám trứng để cung cấp oxy.
Nhưng, không thể bỏ trứng đi săn mồi suốt hơn tháng trời cũng làm bạch tuộc mẹ đói rã rời. Vì lũ con, bạch tuộc mẹ phải hi sinh một phần thân thể mình đúng theo nghĩa thực tế: nó sẽ ăn… một cái tay vòi của mình để chống chọi với cái đói, trong khi chờ đợi lứa trứng nở.
Đối với bà mẹ tận tụy này, có đến 8 cái tay vòi thì mất đi một chiếc cũng chẳng là đáng kể.
Loài gấu sống trên cây này chỉ ăn duy nhất một thứ thực phẩm là lá cây khuynh diệp rất độc hại đối với những loài động vật khác. Nhưng nhờ hệ thống tiêu hóa của koala có những loại vi khuẩn hóa giải chất độc chứa trong lá khuynh diệp, nên chúng vẫn thoải mái tiêu thụ loại thực phẩm nguy hiểm này.
Trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh, gấu koala con chưa phát triển hệ thống giải độc như gấu trưởng thành. Do đó, nếu chúng ăn lá khuynh diệp thì sẽ bị nhiễm độc và chết. Thiên nhiên đã cung cấp một giải pháp độc đáo cho chúng: gấu mẹ cho gấu con bú sữa để tạo nên các kháng thể giải độc và ăn… phân của nó, bởi sau khi đã qua hệ thống tiêu hóa của gấu mẹ, các chất độc đã bị hóa giải.
Cá sấu mẹ và đàn con - (Ảnh: BBC Planet Earth II)
Cá sấu mẹ là loài động vật có "ý thức" về bảo vệ môi trường hơn các bà mẹ khác. Tổ của chúng được làm bằng các loại rau quả đang phân hủy, điều này giúp tạo nhiệt độ cần thiết cho quá trình phát triển của trứng, và cá sấu mẹ lại khỏi phải mất thời gian ấp trứng.
Một điểm thú vị là nếu nhiệt độ trong tổ từ 31 độ C trở xuống thì lứa trứng sẽ nở ra toàn cá sấu cái, nếu nhiệt độ cao đến 32 độ thì sẽ nở ra toàn cá sấu đực.
Sau khi trứng nở, bà mẹ cá sấu sẽ nhẹ nhàng ngậm lũ con vào miệng và mang chúng xuống nước. Lũ cá sấu con luôn quấn quít bên mẹ, người ta đã chụp được cảnh cá sấu mẹ chở con trên lưng ngao du khắp nơi.
Chim hồng hoàng bướu đỏ dùng phân bịt lối vào tổ để ngăn chặn kẻ thù - (Ảnh: AnimalImages).
Chim hồng hoàng bướu đỏ sống ở đảo Sulawesi của Indonesia. Chúng làm tổ và đẻ trứng trong các hốc trên thân cây. Sau khi đẻ, chim mẹ sẽ giam mình trong tổ ấp trứng suốt 2 tháng trời ròng rã, không hề bỏ ra ngoài để kiếm ăn dù rất đói.
Nhưng trứng chim hồng hoàng lại là món khoái khẩu của loài kỳ đà. Để bảo vệ đàn con sắp chào đời, chim mẹ dùng phân của nó trát lên miệng hốc để làm hẹp lối vào, loài kỳ đà to xác sẽ không chui vào tổ được. Một phần nữa là mùi hôi rất khó chịu của phân chim sẽ làm kỳ đà và các loài khác tránh xa cái tổ.
Loài hữu nhũ ở biển có họ hàng với hải cẩu này rất to lớn, con đực trưởng thành nặng đến gần 2 tấn, con cái thì nhỏ hơn, nặng khoảng 600kg.
Khi bắt đầu có mang, hải tượng cái ăn rất nhiều và tăng trọng hằng ngày trong suốt 11 tháng của thai kỳ, mục đích là để tích trữ năng lượng dành cho việc nuôi con. Bởi chỉ 1 tháng sau khi sinh con, hải tượng mẹ sụt mất 300kg, hơn phân nửa trọng lượng cơ thể đã chuyển hóa thành sữa cho con bú.
Đười ươi mẹ và con - (Ảnh: brownble.com)
Bà mẹ đười ươi rất đảm đang, tự thân làm mọi việc không cần đến ông chồng vô trách nhiệm. Chúng sống chủ yếu trên cây nên hằng đêm đười ươi mẹ lại làm một cái tổ mới bằng cành, lá trên cây cao. Trong suốt quãng đời của một con đười ươi cái, nó đã làm đến 30.000 cái tổ chỉ dùng một lần.
Đười ươi con là loài động vật có thời gian phụ thuộc vào mẹ lâu nhất thế giới, đến 6 hoặc 7 năm, trước khi tự lập.
Thử tưởng tượng một bé sơ sinh nặng đến gần 100kg, đó chính là một chú voi con mới sinh. Voi con mới sinh chưa mở mắt nên chúng chỉ có thể dùng vòi nắm đuôi mẹ mỗi khi di chuyển.
Voi mẹ thuộc loài động vật có thời gian mang thai lâu nhất, đến những 22 tháng trời. Voi là loài có tập tính xã hội cao theo hình thức mẫu hệ, bởi thế, các bà, các mợ, các chị voi cái khác trong bầy cũng xúm vào phụ giúp voi mẹ nuôi dạy và bảo vệ bé voi mới sinh.
Các nhà sinh vật đã nói vui rằng: "Nếu là con người, nó tương tự như việc cả làng xúm vào nuôi một đứa bé vậy".
Bà mẹ chấy biển hi sinh mạng sống cho con - (Ảnh: AnimalPlanet).
Cuối cùng, có một bà mẹ hi sinh cả cuộc sống mình cho đàn con, đó là loài chấy biển. Loài động vật giáp xác nhỏ này thường sống ký sinh trên mình các loài cá lớn.
Khi chấy con nở ra trong bụng mẹ, chúng sẽ ăn dần bà mẹ từ trong để thoát ra ngoài. Lúc lũ con chào đời cũng là lúc bà mẹ giã từ cõi thế. Quả là sự hi sinh vô bờ bến của người mẹ.