Nằm ở độ cao hơn 800m chênh vênh trên vách núi, để tới được đây, người dân phải leo mỗi ngày hơn 2500 bậc thang.
Ngôi làng hẻo lánh 200 năm tuổi Atulieer nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, từng nổi tiếng khắp thế giới khi những bài viết trên các trang báo quốc tế chia sẻ hình ảnh những đứa trẻ đi học bằng cầu thang chênh vênh dựng như thẳng đứng trên sườn núi.
Cảnh trẻ nhỏ trong làng leo trên thang gỗ chênh vênh để xuống núi, tới trường mỗi ngày, từng gây sốc với báo chí thế giới
Đó cũng là lối đi hàng ngày, là cách duy nhất để người dân trong làng có sự kết nối với thế giới bên ngoài. Đây là chiếc cầu thang được ví như “bắc lên trời”.
Để đi từ làng xuống dưới, người dân mất tới 2 tiếng. Phương tiện này còn để người dân trèo lên trèo xuống hàng ngày đi chợ, tới trường, thậm chí tới bệnh viện sinh con, bất chấp những nguy hiểm rình rập mỗi ngày.
Thời điểm chưa có bậc thang bằng thép thì đây là lối đi duy nhất để dân làng ra ngoài, kết nối với thế giới bên ngoài
Ban đầu, cầu thang chỉ làm bằng gỗ ọp ẹp. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương đã thay thế bằng cầu thang bằng thép chắc chắn với 2.556 bậc lên xuống, có tay vịn, nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân cũng như đảm bảo sự an toàn hơn trước.
Cũng kể từ đó, khách du lịch biết tới làng Atulieer nhiều hơn. Những năm gần đây, ngôi làng hẻo lánh nằm ở phía tây nam này đã trở thành điểm đến hút khách du lịch.
Đi trên 2.556 bậc thang ở cầu thang thép để tới làng.
Nếu như năm 2016, làng Atulieer đứng đầu trong danh sách giảm nghèo của Trung Quốc, thì năm 2019, làng thu hút khoảng 100.000 khách tới tham quan, mang lại gần 1 triệu Nhân dân tệ thu nhập cho người dân ở Atulieer.
Theo chia sẻ của trưởng thôn Pacha Youge, kể từ khi cầu thang thép đi vào sử dụng, ngôi làng cũng có thêm nhiều tiện ích khác như điện, nước và mạng Internet.
“Thanh niên trong làng bắt đầu dùng điện thoại thông minh để livestream trên mạng xã hội. Chúng tôi có sự kết nối gần gũi hơn với bên ngoài. Người làng Atulieer ra vào dễ dàng hơn, còn du khách tới làng nhiều hơn”, anh Youge nói.
Trước mắt, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống cáp treo đưa du khách lên đỉnh núi. Những dịch vụ du lịch mới dự kiến sẽ mang thêm nhiều nguồn thu cho người dân, cải thiện cuộc sống.