Chế độ ăn của thai phụ làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn ở trẻ

  •  
  • 403
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm y tế đại học Duke và Trung tâm sức khỏe quốc gia Jewish, chế độ ăn của chuột mẹ mang thai có thể gây ra biến đổi biểu sinh làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn dị ứng ở chuột con. Chuột mẹ mang thai có chế độ ăn nhiều chất phụ gia chứa methyl, ví dụ như axit folic, thì chuột con sẽ mắc bệnh dị ứng đường hô hấp nhiều hơn chuột con có chuột mẹ ăn thức ăn với hàm lượng methyl thấp.

Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trực tuyến trên số ra ngày 18 tháng 9, 2008 trên tờ Clinical Investigation và sẽ phát hành trên ấn bản tháng 10.

David Schwarts – tác giả của bài báo đồng thời là giáo sư y học tại trung tâm Sức khỏe quốc gia Jewish – cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy chế độ ăn của người mẹ làm biến đổi quá trình methyl hóa AND, từ đó ảnh hưởng quá trình phát triển hệ thống miễn dịch của bào thai, khiến bào thai dễ mắc các bệnh di ứng đường hô hấp. Số lượng ca mắc hen suyễn tăng mạnh trong hai thập kỷ gần đây có lẽ cũng liên quan đế biến đổi trong chế độ ăn bổ sung của thai phụ”.

Sự phổ biến của căn bệnh hen suyễn đã tăng gần gấp đôi trong 25 năm trở lại đây. Bệnh hen suyễn hiện gây ảnh hưởng cho 11% dân số Hoa Kỳ, và ngốn chi phí điều trị đến 9,4 tỉ đôla. Mặc dù cả gen và môi trường đều có liên quan đến nguy cơ mắc hen suyễn, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác của căn bệnh hoặc giải thích tốc độ mắc bệnh gia tăng.

Biểu sinh học nghiên cứu về quy tắc điều hòa gen. Môi trường tiếp xúc có thể dẫn đến biến đổi trong nhóm methyl (CH3) gắn kết với phân tử ADN nhất định, từ đó làm thay đổi biểu hiện của một gen cụ thể. Có rất nhiều yếu tố môi trường (bao gồm chế độ ăn, khói thuốc lá và dược phẩm) có thể biến đổi nhóm methyl gắn kết với ADN, đặc biệt là trong giai đoạn mẫn cảm. Nghiên cứu đang được tiến hành đã chỉ ra rằng cơ chế biểu sinh có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của hệ miễn dịch, vừa có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh di ứng.

Nhóm nghiên cứu đã quyết định kiểm định vai trò tiềm tàng của biểu sinh học đối với nguy cơ mắc hen suyễn dị ứng. Họ cho những con chuột đang mang thai ăn thức ăn có hàm lượng methyl cao hoặc thấp. Ngoài axit folic, chế độ ăn giàu methyl cũng có chứa hàm lượng L-methionine, choline và genistein cao. 

Nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn của người mẹ mang thai có thể gây ra biến đổi biểu sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn dị ứng ở con. (Ảnh: iStockphoto/Petro Feketa)
Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra chuột con dựa trên mô hình hen suyễn dị ứng, họ phát hiện thấy chuột con có mẹ ăn nhiều methyl thì mắc hen suyễn nặng hơn, phản ứng quá độ ở đường hô hấp cao hơn, dễ mắc dị ứng đường hô hấp hợn, và có tỉ lệ IgE trong máu cao hơn. Họ cũng phát hiện ra rằng tế bào T dường như có liên quan đến dị ứng. Chuột đực cũng khiến con cháu của nó dễ mắc bệnh dị ứng đường hô hấp. Ngược lại, chuột có chế độ ăn giàu methyl trong giai đoạn tiết sữa hay trưởng thành không làm tăng tính nhạy cảm với bệnh di ứng.

Đồng tác giả John W. Hollingsworth – trợ lý giáo sư y học thuộc trường Y, đại học Duke – cho biết: “Trong quá trình phát triển ở tử cung, có một giai đoạn cực kỳ quan trọng khi mà chuột con rất nhạy cảm với các biển đổi biểu sinh làm thay đổi hệ miễn dịch của nó. Biến đổi biểu sinh có thể phần nào giải thích được tại sao từ trước đến nay chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc xác định gen gắn với nguy cơ mắc hen suyễn, tác động biến đổi di truyền có lẽ đã bị biến đổi biểu sinh che đậy hoặc bị nó làm cho phức tạp thêm”.

Khi các nhà nghiên cứu phân tích hệ gen của chuột, họ tìm ra 82 gen được methyl hóa nhiều hơn đáng kể ở những con chuột có chế độ ăn nhiều methyl. 10 gen methyl hóa cao nhất chính là nguyên nhân sinh học gây ra hen suyễn. Chúng là nhân tố sao chép, điều khiển biểu hiện của nhiều gen, cũng như các gen có liên quan đến sự di trú tế bào và các bệnh dị ứng đường hô hấp. Các gen methyl hóa cao cũng có biểu hiện ở mức thấp hơn những gen methyl hóa thấp ở những con chuột chuột được cung cấp chế độ ăn ít methyl.

Nghiên cứu này cho thấy quá nhiều axit folic (và các thức ăn bổ sung khác) trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn và các bệnh dị ứng, thậm chí còn giữ một vai trò nhất định đối với hiện tượng gia tăng bệnh hen suyễn trong hai thập kỷ gần đây. Dịch vụ sức khỏe công cộng Hoa Kỳ khuyến cáo vào năm 1992 rằng tất cả phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên ăn 400 microgram axit folic hàng ngày để giảm nguy cơ mắc khiếm khuyết não và cột sống bẩm sinh cho trẻ. Năm 1996, Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ yêu cầu phải bổ sung axit folic vào bột, bánh mỳ và các loại ngũ cốc nhất định để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh. Các nghiên cứu đã chứng minh những biện pháp trên giúp giảm khuyết tật bẩm sinh ở trẻ.

Nói về vai trò quan trọng của việc bổ sung axit folic nhằm phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh, tiến sĩ Schwartz và Hollingsworth không đưa ra bất cứ một thay đổi nào về liều lượng bổ sung mà chỉ ra rằng vấn đề này cần phải được nghiên cứu sâu hơn.

Tham khảo:
1. Hollingsworth et al. In utero supplementation with methyl donors enhances allergic airway disease in mice. Journal of Clinical Investigation, 2008; DOI: 10.1172/JCI34378
2. Rachel L. Miller. Prenatal maternal diet affects asthma risk in offspring. Journal of Clinical Investigation, 2008; DOI: 10.1172/JCI37171

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 403