Chiếc hộp đen - Nhân chứng sống

  •   12
  • 2.774

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, sau một loạt vụ rơi máy bay đầy bí ẩn, một nhà nghiên cứu người Australia đã sáng chế chiếc hộp đen. Thiết bị ghi chép hành trình bay này nhằm góp phần làm cho ngành hàng không an toàn hơn.

Chiếc hộp đen ra đời

Kỹ sư David Warren (cơ quan nghiên cứu hàng không của Australia) khi 9 tuổi đã bị mồ côi cha trong một vụ rơi máy bay đầu tiên ở Australia. Từ nhỏ Warren đam mê kỹ thuật, là học sinh phổ thông đã tự lắp ráp được một máy phát thanh. Ông nhớ đến một máy ghi âm khá gọn nhẹ do nước Đức sản xuất và được trưng bày tại một cuộc hội chợ. Ông nghĩ nên có một máy ghi âm tương tự trong buồng lái để ghi lại các cuộc nói chuyện, những dữ liệu quan trọng liên quan đến chiếc máy bay đồng thời bảo vệ an toàn thiết bị đó khi máy bay bị tai nạn. Ông Warren trình bày với ủy ban về ý tưởng của mình nhưng bị từ chối. Ông công bố sáng kiến trên báo chí nhưng không nhận được hồi âm.

Năm 1957 Warren chấp nhận bỏ tiền túi để chế tạo thiết bị này và đặt tên là "Memory Flight Unit". Cấu trúc của thiết bị này khá đơn giản nhưng chặt chẽ và thông minh: một sợi thép mỏng như thường thấy trong các thiết bị âm thanh dây hiện đại thời đó được từ hóa nhờ một đầu viết điều khiển bằng điện. Với thiết bị này có thể ghi lại các cuộc chuyện trò của phi công và mỗi giây ghi lại 8 dữ liệu bay. Cứ sau 4 tiếng, băng ghi chép này lại bắt đầu lại từ đầu và đặt trong một cái hộp có khả năng chịu va đập rất lớn.

Có điều kỹ sư Warren không biết là thời đó hai anh em Wright trong các chuyến bay có động cơ đầu tiên của mình cũng lắp một thiết bị khá đơn giản để ghi các dữ liệu về chuyến bay như tốc độ bay, số vòng quay của cánh quạt... Tuy nhiên thiết bị ghi chép này không lắp đặt trong hộp an toàn đề phòng máy bay rơi vì các chuyến bay của họ chỉ cách mặt đất dăm mét.

Một chiếc hộp đen tìm được sau vụ tai nạn máy bay.

Năm 1959 thiết bị ghi chép về chuyến bay của hai chuyên gia người Pháp Francois Hussenot và Paul Beaudouin được trình diễn: dùng một đoạn phim dài 8m lắp trong một cái hộp kín sơn đen. Khi máy bay hoạt động, những thước phim âm bản này sẽ được lộ sáng nhờ một tấm gương. Phim quay nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ cao và tốc độ của máy bay. Thiết bị ghi chép bay mang tên Black Box (hộp đen). Thiết bị này có một số bất lợi: phim chỉ sử dụng được một lần, sau mỗi lần sử dụng phải thay phim và không ghi được các cuộc trao đổi nên chỉ lắp đặt Hussenograph trong các chuyến bay thử.

Thiết bị ghi bằng dây thép của kỹ sư Warren không có những điểm yếu này nhưng không được chú ý vì ở nước này vào thời điểm đó hầu như không có vụ tai nạn máy bay, cơ quan hữu trách tại đó cho rằng thiết bị này "ít có giá trị trực tiếp đối với ngành hàng không dân dụng".

Khi người phụ trách cơ quan Hàng không dân dụng Anh tới thăm Australia được nghe về thiết bị của ông Warren đã mời nhà sáng chế mang theo cả máy recorder sang London. Hãng truyền hình BBC đặc biệt ấn tượng về chiếc máy này nên đã lập tức giới thiệu trên truyền hình và phát thanh Anh.

Đúng vào thời kỳ đó, viên kỹ sư người Mỹ James Ryan cũng đang chuẩn bị xuất xưởng loại thiết bị ghi chép của mình. Tuy nhiên thiết bị này có điểm yếu là không ghi lại được các cuộc trò chuyện. Theo nhận định của các chuyên gia thì ưu điểm lớn nhất của thiết bị ghi chép của kỹ sư Warren là có thể ghi lại mọi âm thanh trong buồng lái.

Một thiết bị quan trọng

Hiện nay những máy recorder hiện đại lắp trên máy bay có thể lưu giữ trên một nghìn dữ liệu. Tiếng động trong buồng lái có khi đem lại một bước ngoặt, đầy bất ngờ trong quá trình điều tra tìm nguyên nhân tai nạn.

Một ví dụ là chuyến bay TWA 800, bị nổ tung hồi tháng 7/1996 trên bầu trời phía Đông New York. Không đầy một giây trước khi bị rơi máy ghi lại hai âm thanh rất nhỏ với tần số 400 Hertz liên quan đến việc cung cấp năng lượng điện trong máy bay. Đó là tiếng chập mạch trong đồng hồ nhiên liệu của thùng đựng nhiên liệu dẫn đến tai nạn.

Đôi khi những ghi chép của thiết bị ghi âm cũng phản ánh sự tuyệt vọng, hốt hoảng của các phi công trong buồng lái như: năm 1996 vụ tai nạn với chiếc Boeing 757 của hãng hàng không Birgenair của Thỗ Nhĩ Kỳ gần bờ biển Cộng hòa Dominica làm 189 khách du lịch thiệt mạng. Khi đó một ống pi-tô bị tắc khiến thiết bị lái tự động và phi công nhận được thông số về tốc độ không chính xác. Chỉ thời gian ngắn lái trưởng hốt hoảng líu lưỡi nói với phi công phụ "cần đẩy, đẩy, đẩy, đẩy. Giờ tôi phải làm gì nữa đây?". Khi đề cập đến van tiết lưu lái trưởng cuống cuồng nói: "Đừng đóng, xin đừng đóng”. Mặc dù có hỏng về kỹ thuật nhưng Ủy ban điều tra qua những điều đã được ghi lại trong buồng lái cho rằng, sai lầm của phi công là nguyên nhân chính của vụ tai nạn này.

Theo SK & ĐS (Spiegel)
  • 12
  • 2.774