Khi khảo sát kỹ hệ thính giác ngoại vi của các loài chim, những nhà động vật học Mỹ phát hiện độ thính của tai chim sẻ mái thay đổi theo mùa, trong khi ở những con chim sẻ trống không thấy có hiện tượng này.
Bằng những thí nghiệm chính xác, các chuyên gia về chim đã kết luận: Bước vào mùa hè thính giác của những con chim sẻ mái thay đổi: chúng phân biệt rất kém thứ từ của những âm thanh, nhưng bù lại lại cảm nhận tinh tế hơn tần số của âm thanh. Song đến mùa thu, sự thay đổi này ở chim sẻ mái lại tự nhiên biến mất. Sự thụ cảm âm thanh của chim sẻ trống và mái lúc này lại hoàn toàn giống như nhau.
Khi theo dõi ý nghĩa của những âm thanh - nói cách khác là “ngôn ngữ” của chúng - họ nhận thấy trong tiếng kêu của chim thì thứ tự các âm thanh chủ yếu là thể hiện sự thông báo với nhau về kiếm mồi, còn tần số, âm sắc… để thể hiện tình cảm giữa chúng.
Theo các nhà điểu loại học, sở dĩ chim sẻ mái có thay đổi độ nhạy của thính giác theo mùa là để thích nghi với cuộc sống của chúng. Mùa hè đồng nghĩa với mùa “yêu đương”, mùa sinh sản. Chim mái cần phải có đôi tai nhạy cảm để bắt được tín hiệu âm thanh của đối tác, đó chính là những lời rủ rê, tán tỉnh của chim sẻ trống. Chúng tập trung nghe ngóng và qua đó chọn một “chàng” thích hợp với mình để xây tổ ấm. Bước vào mùa thu, mùa đông, chim con đã nở, cần tìm thức ăn về mớm cho con, dạy chúng bay truyền, phần nhạy cảm tiếp nhận thông tin về kiếm ăn của thính giác của chim sẻ mái lại được phục hồi như cũ.
Thật thú vị, sự thay đổi về tiếp nhận âm thanh cũng có ở người. Ví dụ, phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt độ thính của tai cũng khác nhau. Họ thường lơ đãng hơn, nghe kém hơn. Họ hay hỏi lại những câu người xung quanh nói và dễ quên những lời dặn dò. Hiện tượng đó có thể được biện minh bằng sự thay đổi độ thính theo thời gian: họ đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ kinh nguyệt.