Ánh sáng đèn điện trong các đô thị giúp chim có nhiều thời gian kiếm mồi hơn, nhưng chúng duy trì chế độ ăn nghiêm ngặt để không phát phì.
Theo Telegraph, ánh sáng nhân tạo phát ra từ đèn đường và nhiều loại đèn khác tác động tới cuộc sống của nhiều loài chim trong khu vực đô thị. Vì thế các nhà khoa học của Đại học Cardiff (Anh) tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đối với hành vi ăn uống của chim cổ đỏ châu Âu. Họ tìm hiểu lượng thức ăn mà chúng lấy vào cơ thể khi kiếm ăn dưới ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Kết quả cho thấy chim trong thành phố có “thời gian biểu” khác hẳn so với chim sống ở vùng nông thôn. Chúng thức giấc sớm hơn và kiếm mồi khuya hơn. Nhưng điều khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên là chim hiếm khi ăn hết lượng mồi mà chúng kiếm được và chúng cũng chọn lọc mồi khi ăn.
Chim cổ đỏ châu Âu bắt mồi. Ảnh: dkimages.com.
Alexandra Pollard, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy thời gian hoạt động trong ngày của chim thành phố dài hơn nhiều so với đồng loại của chúng ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, dù có thời gian kiếm mồi lâu hơn và có cơ hội ăn nhiều vào ban đêm, trọng lượng của chúng chỉ bằng hoặc thấp hơn chim cổ đỏ ở nông thôn. Trước đó chúng tôi luôn nghĩ rằng chim luôn ăn tất cả mồi trước mặt chúng, song thực tế điều đó không xảy ra với chim cổ đỏ”.
Pollard nói thêm rằng nghiên cứu của bà không chỉ ra rằng ánh sáng đèn điện tác động tới hành vi ăn của chim cổ đỏ, song nhiều nghiên cứu khác cho thấy ánh sáng nhân tạo thay đổi nhiều hành vi của chim, như hoạt động sinh sản.
“Chúng ta nên nhớ rằng nhiều sinh vật sống chịu ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo – trong đó có động vật không xương sống, lưỡng cư, bò sát và có vú. Chúng tôi sẽ tiến hành những nghiên cứu khác để đánh giá những hậu quả của ánh sáng nhân tạo đối với động vật trong ngắn hạn và dài hạn”, Pollard nói.