Chú rùa nổi tiếng nhất thế giới đã qua đời

  •  
  • 3.937

Một loài rùa khổng lồ trên quần đảo Galapagos thuộc Thái Bình Dương vừa tuyệt chủng sau khi "George cô đơn", cá thể cuối cùng của loài, lìa đời.

>>> Ly hôn sau 115 năm chung sống

“George cô đơn”, tên của con rùa đực khoảng 100 tuổi trong Công viên quốc gia Galapagos, nổi tiếng bởi sự thờ ơ của nó đối với những con rùa khác giới. Giới khoa học tin rằng nó là cá thể còn sống duy nhất trong loài rùa khổng lồ Geochelone abigdoni. Vì thế nó là một trong những sinh vật hiếm nhất hành tinh.

Fausto Llerena, người chăm sóc con vật trong 40 năm qua, phát hiện nó đã chết vào sáng 24/6.

Cái chết của "George cô đơn" đánh dấu sự tuyệt chủng của một loài rùa khổng lồ.
Cái chết của "George cô đơn" đánh dấu sự tuyệt chủng của một loài rùa khổng lồ.

“Buổi sáng, nhân viên phụ trách việc chăm sóc rùa George phát hiện con vật trong tình trạng bất động. Cuộc sống của nó đã kết thúc”, Edwin Naula, giám đốc Công viên quốc gia Galapagos của Ecuador, thông báo hôm 24/6.

Các quan chức của công viên quốc gia Galapagos tại Ecuador sẽ khám nghiệm xác của George để xác định nguyên nhân khiến nó chết. Naula nói rằng ban quản lý Công viên quốc gia Galapagos đang xem xét khả năng ướp xác rùa George để trưng bày.

Sau khi được phát hiện vào năm 1972 trên đảo Pinta thuộc quần đảo Galapagos, rùa George trở thành con vật nổi tiếng đối với giới bảo tồn. Nó cũng trở thành biểu tượng của quần đảo Galapagos, điểm du lịch của khoảng 180.000 người mỗi năm. Du khách thường phải chen nhau để có cơ hội chụp ảnh với George, một trong những con vật hiếm nhất hành tinh. Nhiều nhân vật nổi tiếng tầm cỡ thế giới cũng tới Galapagos để chiêm ngưỡng George.

Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài rùa Geochelone abigdoni, các nhà khoa học bắt đầu nỗ lực tạo hậu duệ cho George từ năm 1993. Hồi đó họ đưa hai rùa cái thuộc một loài có quan hệ gần với George vào khu vực sống của nó. Chúng đẻ trứng hai lần, song những quả trứng không nở thành con do George không quan tâm tới những con rùa cái. Sau đó các nhà khoa học tiếp tục đưa nhiều rùa cái tới gần George, song nó vẫn không tỏ ra hứng thú.

Khoảng 20.000 con rùa khổng lồ đang sống trên quần đảo Galapagos. Chúng từng giúp Charles Darwin, nhà tự nhiên học vĩ đại, lập nên học thuyết tiến hóa trong thế kỷ 19.

Theo VNE
  • 3.937