Chuột tàn sát chim hải âu trên hòn đảo Nam Phi

  •  
  • 418

Chuột nhắt xâm hại ngày càng trở nên phàm ăn và ăn thịt cả chim hải âu trưởng thành trên đảo Marion, gây lo ngại cho các chuyên gia bảo tồn.

Chim hải âu trưởng thành trên một hòn đảo xa xôi đang bị chuột nhắt xâm hại tấn công và ăn thịt. Chuột nhắt xâm hại gây rắc rối cho hệ sinh thái ở đảo Marion, nằm giữa Nam Phi và Nam Cực, trong nhiều thập kỷ, ăn thịt nhiều động vật không xương sống bản xứ và con non của nhiều loài chim biển sinh sản ở đó. Nhưng các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện chúng tấn công chim hải âu trưởng thành trên đảo. "Nếu chuột nhắt bắt đầu tấn công chim trưởng thành, đó thực sự là vấn đề lớn", Maëlle Connan, nhà nghiên cứu tại Đại học Nelson Mandela ở Nam Phi, cho biết.

 Xác chim hải âu lang thang trưởng thành nghi bị chuột cắn chết.
Xác chim hải âu lang thang trưởng thành nghi bị chuột cắn chết. (Ảnh: Michelle Risi).

Với diện tích 298km2, đảo Marion lớn bằng 1/2 thành phố Chicago nhưng là ngôi nhà của hàng loạt động vật hoang dã, bao gồm chim cánh cụt vua, hải cẩu voi và chim biển như hải âu lang thang (Diomedea exulans), một trong những loài chim biết bay lớn nhất thế giới. Hòn đảo không chứa bất kỳ động vật có vú không sống trên biển nào cho tới thế kỷ 19, khi chuột nhắt (Mus musculus) được con người đưa tới qua tàu thuyền.

Từ sau đó, chuột nhắt tàn sát nhiều động vật không xương sống và thực vật sống ở đảo. Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, quần thể chuột địa phương phát triển bùng nổ, nhiều khả năng do thời tiết ngày càng ấm và khô lên bởi biến đổi khí hậu. Chúng cũng trở nên phàm ăn hơn. Năm 2003, các nhà nghiên cứu phát hiện chuột nhắt ăn chim non của hải âu lang thang trên đảo.

Hiện nay, chuột nhắt bắt đầu nhắm tới chim trưởng thành. Hồi tháng 4, nhóm nghiên cứu tìm thấy xác 8 chim hải âu lang thang trưởng thành chết chỉ cách nhau vài tuần. Xác chim có dấu hiệu bị chuột tấn công như vết thương ở khuỷu cánh. Dấu máu chứng tỏ vết thương xuất hiện khi con chim vẫn còn sống.

Chim hải âu lang thang có sải cánh 3m, vì vậy chúng lớn hơn nhiều so với chuột nhắt, nhưng chúng tiến hóa để sống trên các hòn đảo không có động vật ăn thịt có vú. Chim hải âu không có cơ chế tự vệ để đối phó chuột xâm hại, theo Anton Wolfaardt, nhà nghiên cứu chim biển ở dự án Mouse-Free Marion. Dự án này là sáng kiến của chính phủ Nam Phi và tổ chức phi lợi nhuận BirdLife.

Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác chim hải âu chết như thế nào, nhưng nguyên nhân có thể đến từ nhiễm trùng do vết cắn của chuột hoặc thậm chí chết đói nếu con chim bị thương quá nặng để bay ra biển và kiếm ăn. Về lâu dài, hành vi ăn thịt này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể chim hải âu lang thang toàn cầu bởi 1/4 số lượng loài này sống trên đảo Marion.

Chuột nhắt gần đây cũng tấn công chim hải âu trưởng thành ở nhiều điểm nóng khác như chim hải âu Tristan (Diomedea dabbenena) trên đảo Gough ở Nam Đại Tây Dương và hải âu Laysan (Phoebastria immutabilis) ở đảo Midway ở Thái Bình Dương. Đó là xu hướng đáng lo ngại đối với nhóm chim đang bị đe dọa này. Trong 22 loài hải âu trên khắp thế giới, có 9 loài nằm trong danh mục nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp.

Dự án Mouse-Free Marion đang lên kế hoạch rải thuốc diệt chuột trên toàn đảo. Các chuyên gia bảo tồn hy vọng biện pháp đó sẽ giúp giết hết chuột. Chim biển bản xứ ở địa phương chủ yếu tìm thức ăn ngoài biển và động vật không xương sống không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt chuột, vì vậy biện pháp này chỉ nhắm vào chuột xâm hại sống trên đảo. Nếu thành công, hệ sinh thái đảo Marion có thể bắt đầu phục hồi.

Cập nhật: 29/06/2023 VnExpress
  • 418