Chuyên gia phát hiện hàng loạt bình cổ đựng hài cốt trẻ em 2.000 năm

  •  
  • 155

Các chuyên gia phát hiện 128 bình chôn cất từ thời nhà Hán, khi tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao và việc xây mộ rất tốn kém.

Nhóm nhà khảo cổ Trung Quốc hôm 22/11 thông báo, phát hiện 128 hài cốt trẻ em đặt trong các bình theo một nghi thức mai táng cổ xưa. Họ cũng phát hiện nhiều tiền xu, đồ gốm và gạch lát khi khai quật bình ở khu tự trị Nội Mông.

 Hài cốt trẻ em chôn trong bình được tìm thấy ở Nội Mông.
Hài cốt trẻ em chôn trong bình được tìm thấy ở Nội Mông. (Ảnh: Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Khu tự trị Nội Mông).

Nhóm chuyên gia cho rằng những trẻ em này sống vào thời nhà Hán (năm 202 trước Công nguyên đến năm 220). Trong giai đoạn này, trẻ em không được hỏa táng. Người xưa sẽ sử dụng vài chiếc bình, hai hoặc đôi khi nhiều hơn, để tạo thành "ngôi nhà" bảo vệ hài cốt.

Cũng có những trường hợp người lớn được chôn trong bình, nhưng tập tục này phổ biến với trẻ em hơn nhiều, theo Lam Wen-cheong, chuyên gia tại Đại học Trung văn Hương Cảng. "Chúng tôi chưa rõ tại sao, nhưng có vẻ trong khu vực này, mọi người thường sử dụng bình để mai táng trẻ em", ông nói.

Chôn hài cốt trẻ em trong bình nghe có vẻ kỳ lạ với quan điểm ngày nay, nhưng thực chất việc này cũng không khác nhiều so với dùng quan tài. "Ở Trung Quốc cổ đại, hỏa táng xuất hiện khá muộn, thường là sau thời nhà Hán. Tại một số nơi, chúng tôi tìm thấy những ngôi mộ chôn theo hình thức hỏa táng từ thời Đồ Đồng, nhưng ở khu vực đồng bằng trung tâm, hình thức này xuất hiện muộn", Lam giải thích về việc hài cốt trẻ em không được hỏa táng trước khi cho vào bình.

Có thể việc dùng bình chôn cất trở nên phổ biến vì xây mộ kiểu nhà Hán là gánh nặng tài chính trong thời kỳ mà tỷ lệ tử vong của trẻ em cao. Mộ thời nhà Hán được xây dựng công phu và hoành tráng, thường là những gian phòng bằng gạch chứa đầy vật dụng mà người chết có thể cần ở thế giới bên kia. Với người giàu, tang lễ trở thành nơi thể hiện địa vị. Một số tác phẩm nghệ thuật cổ xưa miêu tả cảnh các đoàn người và xe ngựa tham gia lễ rước để tưởng niệm người đã khuất.

Nhưng với dân thường, việc tổ chức tang lễ như vậy gần như bất khả thi và kể cả những ngôi mộ nhỏ cũng cần rất nhiều gạch. Chôn cất trong bình trở thành giải pháp thay thế khi người dân vẫn muốn bảo vệ hài cốt khỏi tác động của tự nhiên và bảo vệ linh hồn khỏi ma quỷ.

Chôn cất trong bình không phải tập tục chỉ có ở Trung Quốc cổ đại. Năm 2012, các nhà khoa học ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, phát hiện vài bình chôn cất tồn tại từ năm 1800 - 1500 trước Công nguyên, sớm hơn nhiều so với ở Nội Mông. Tháng 7 năm nay, tại Budapest, Hungary, các chuyên gia cũng tìm thấy những chiếc bình có niên đại từ năm 2200 - 1450 trước Công nguyên nhưng chứa tro cốt đã hỏa táng.

Cập nhật: 30/11/2021 Theo VnExpress
  • 155