Chuyện về máy bay dân dụng lớn nhất thế giới chưa từng cất cánh của Nga

  •  
  • 1.355

Vào những năm 1990, Nga suýt chút nữa đã sở hữu chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới được đặt tên là KR-860 "Wings of Russia", hay “Đôi cánh của nước Nga”.

Cỗ máy khổng lồ này là ý tưởng của Văn phòng thiết kế Sukhoi. Tại thời điểm đó, Sukhoi muốn sản xuất một chiếc máy bay đem về lợi nhuận kinh tế cho ngành hàng không dân dụng. Theo tính toán của công ty trên, lưu lượng hành khách sẽ tăng 9-12% mỗi năm trong thế kỷ 21. Do đó, thị trường sẽ cần một loại máy bay hai tầng để chở số lượng lớn hành khách cùng một lúc.


Mô hình máy bay KR-860. Ảnh: Văn phòng thiết kế Sukhoi.

“Các tập đoàn trên khắp thế giới đều để mắt tới một chiếc máy bay hai tầng như vậy. Người Mỹ đã tạo ra dòng máy bay Boeing-747 và người châu Âu phát triển dòng máy bay khổng lồ Airbus A380. Vào cuối những năm 1990, Sukhoi đã đi theo xu hướng chung và không muốn bỏ lỡ phân khúc máy bay hai tầng mới để vận chuyển hành khách”, ông Alexei Vlasov, chuyên gia về an toàn bay nói.

Nga đã đem một mô hình hình tỷ lệ 1/24 của cỗ máy bay này đến giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Paris năm 1999. Nếu được chế tạo, KR-860 sẽ là chiếc máy bay chở khách lớn nhất, rộng nhất và nặng nhất thế giới.

Thông số đầy ấn tượng

Những năm 1990, ngành hàng không Nga đang trải qua thời kỳ khó khăn và các công ty cần một dự án thành công để đưa ngành không lên một tầm cao mới. Máy bay hai tầng là xu hướng chính trên toàn cầu ở thời điểm đó.

Ước tính, dự án chế tạo máy bay dân dụng lớn nhất thế giới KR-860 có chi phí lên đến 10 tỷ USD và được đặt mục tiêu sản xuất chiếc đầu tiên trước năm 2000. Mỗi chiếc được định giá từ 160 - 200 triệu USD.

Các kỹ sư thiết kế muốn làm hàng ghế gồm 12 chiếc ở khoang dưới và 9 chiếc ở khoang trên. Mỗi chiếc KR-860 được cho là có thể chở tới 860 người hoặc tổng trọng lượng lên tới 650 tấn. Sải cánh của "con chim sắt" này dài đến 88 mét nên cần sử dụng đường băng và nhà chứa lớn hơn. Vì vậy, các nhà thiết kế quyết định làm phần cánh gập lại được và giảm độ dài xuống còn 64 mét.

Chiếc máy bay dài 80 mét này có thể đạt tốc độ khoảng 1.000 km/h và chặng bay lên đến 15.000km. Nó còn có phiên bản KR-860T được đề xuất sử dụng như một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên không cho các vùng Cực Bắc.

Mọi chi tiết đều hoàn hảo trên bản vẽ, nhưng cuối cùng, vì sao Sukhoi lại từ bỏ dự án này?

Dự án bị lãng quên

Lý do KR-860 bị chìm vào quên lãng hóa ra rất đơn giản: khủng hoảng kinh tế. 

Để tạo ra một chiếc máy bay như vậy, công ty phải thiết lập một chuỗi sản xuất khổng lồ hoàn toàn mới để chế tạo động cơ, khung máy bay, nhà xưởng riêng cũng như hàng loạt thiết bị khác. Và khả năng này không tồn tại ở Nga trong những năm đó. Theo chuyên gia Vlasov, một dự án như vậy đòi hỏi đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ và hồi đó Sukhoi không đủ năng lực chi trả.

Theo ông, Sukhoi không thể triển khai sản xuất loại máy bay này vì ban đầu họ không nhận trợ cấp của chính phủ để phát triển toàn diện. Đây chính là nguyên nhân tại sao họ từ bỏ dự án máy bay dân dụng lớn nhất thế giới.

Mô hình máy bay KR-860.
Mô hình máy bay KR-860. (Ảnh: TASS)

Mặc dù Sukhoi không chế tạo phiên bản máy bay hai tầng riêng nhưng các đối thủ nước ngoài đã đưa một số mẫu máy bay như vậy ra thị trường, trong số đó phải kể đến Airbus A380 và Boeing 747.

Theo ông, chi phí bảo trì của Airbus A380 và Boeing 747 rất tốn kém. Chúng cũng cần nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ thuật trước mỗi chuyến bay.

“Phải mất hai tiếng rưỡi để chuẩn bị cho mỗi chiếc cất cánh. Bạn cần cho hành khách và hành lý cũ rời khỏi máy bay, tiếp nhiên liệu, kiểm tra các loại chất lỏng, chất hành lý mới và cho hành khách mới lên. Tất cả đều mất rất nhiều thời gian. Để so sánh, các thủ tục tương tự cho một máy bay 200 hành khách là khoảng 40 phút. Nói một cách đơn giản, việc sản xuất những chiếc máy bay nhỏ hơn lại có lợi về mặt kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh

Hiện nay, các hãng hàng không đang từ bỏ những sản phẩm tương tự của KR-860 là Airbus A380 và Boeing 747) Những chiếc Airbus đầu tiên sản xuất ở châu Âu cách đây 20 năm đã bị cắt thành phế liệu. Trong khi các máy bay Boeing 747 đang được hoán cải thành máy bay vận tải cho quân đội.

Ông Alexei Vlasov tin rằng Nga đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào và thậm chí còn được hưởng lợi từ quyết định không sản xuất máy bay KR-860 hai tầng. Không tốn chi phí đầu tư, trong khi bí quyết công nghệ vẫn được giữ lại.

Chuyên gia này kết luận: “Chúng tôi đã sản xuất tài liệu kỹ thuật cho các động cơ máy bay thời đại mới mà sau này được sử dụng trong chế tạo máy bay quân sự Sukhoi và SSJ-100 dân sự”.

Cập nhật: 10/04/2022 Theo Báo Tin Tức
  • 1.355