Bệnh hói đầu có thể không hẳn là “vô phương cứu chữa”, các nhà khoa học tuyên bố như trên sau khi thành công trong việc tạo tế bào lông mới trên da chuột.
Trước đây người ta vẫn cho rằng các nang lông một khi đã bị thương tổn thì không thể nào thay thế được. Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Trường ĐH Pennsylvania, Mỹ viết trên tờ Nature rằng trên thực tế có thể kích thích sự phát triển của lông bằng cách sử dụng một gene có tên gọi wnt.
Trên đầu người có khoảng 100.000 nang tóc nhỏ, và từ mỗi nang sẽ có một sợi tóc mọc ra. Các nang này có thể được hình thành ngay khi chúng ta còn là bào thai, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, và đã có một thời gian dài người ta tin rằng sẽ không có thêm nang lông thay thế nào được hình thành trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời.
Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Pennsylvania đã phát hiện gene wnt - một gene đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong việc chữa các thương tổn - cũng giữ vai trò quan trọng trong việc sản sinh các nang tóc mới.
Trong các cuộc thử nghiệm của mình, họ đã lấy đi một số phần nhỏ ở biểu bì của chuột. Điều này đã “đánh thức” hoạt động của các tế bào gốc ở những chỗ này, trong đó có cả hoạt động sản xuất nang lông. Nếu hoạt động của gene wnt bị cản trở, không có nang lông nào được tạo ra và ngược lại, khi được tạo điều kiện hoạt động, số nang lông được tạo ra nhiều hơn, và cuối cùng người ta không còn phân biệt được đâu là vùng da cũ và vùng da mới.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới của họ “mở ra một hướng mới” trong việc điều trị không chỉ bệnh hói mà còn cả việc chữa trị và phục hồi diện mạo bên ngoài. “Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy da cũng khả năng tái sinh chứ không chỉ phục hồi như trước đây chúng ta được biết”, giáo sư Des Tobin thuộc ĐH Bradford, Anh, nói.
T.VY