Công nghệ bí mật của Mỹ giúp phát hiện vụ nổ tàu Titan

  •  
  • 391

Mạng lưới cảm biến bí mật dưới lòng biển, vốn để theo dõi tàu ngầm đối thủ, đã phát hiện "âm thanh bất thường giống với một vụ nổ" ngay sau khi tàu Titan mất liên lạc.

“Hải quân Mỹ đã phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện ra sự bất thường trùng khớp với một vụ nổ ở khu vực lân cận nơi tàu lặn Titan được ghi nhận trước khi mất liên lạc”, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ nói với WSJ.

Dữ liệu này được ghi nhận tại thời điểm con tàu vừa mất liên lạc vào hôm 18/6. Kết quả phân tích dữ liệu âm thanh dưới lòng biển và thông tin về vị trí của tiếng động sau đó được chuyển cho vị quan chức Tuần duyên Mỹ phụ trách chiến dịch tìm kiếm, chuẩn đô đốc John Mauger.

Giới chức cho biết mặc dù Hải quân Mỹ không thể khẳng định chắc chắn âm thanh phát ra từ tàu Titan, phát hiện này đóng vai trò thu hẹp phạm vi tìm kiếm con tàu trước khi mảnh vỡ của nó được phát hiện hôm 22/6.

Vậy hệ thống mà Hải quân Mỹ sử dụng là công nghệ gì?

Công nghệ do thám dưới đáy đại dương

Insider dẫn nguồn từ một chuyên gia về tàu ngầm quân sự cho biết đây nhiều khả năng là Hệ thống giám sát tích hợp dưới biển (IUSS), một phần trong bộ công nghệ theo dõi hoạt động dưới biển trong nhiều thập kỷ qua của nước Mỹ.

Kể từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, khi những lo ngại về khả năng tàu ngầm bị phá hoại, Mỹ đã giám sát liên tục khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng một loạt hệ thống dưới nước nằm rải rác dưới đáy đại dương.

 Hải quân Mỹ từng phát hiện tiếng nổ khi tàu Titan mất liên lạc.
Hải quân Mỹ từng phát hiện tiếng nổ khi tàu Titan mất liên lạc. (Ảnh: U.S Navy).

Insider cho biết hệ thống này lần đầu tiên được xây dựng vào đầu những năm 1950 với tên gọi Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS).

Ban đầu, việc lắp đặt các hệ thống thu âm dưới nước của SOSUS dưới đáy biển được bán ra với mục đích nghiên cứu hải dương học. Tuy nhiên, mục đích thực sự của các cảm biến âm thanh này là phát hiện sự hiện diện và giúp nước Mỹ theo dõi tàu ngầm của Liên Xô.

“Các thành phần của hệ thống SOSUS mà họ từng chế tạo trong Chiến tranh Lạnh vẫn còn tồn tại", Bryan Clark, một cựu thủy thủ tàu ngầm và hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson nói với Insider.

Trong một báo cáo gần đây về hoạt động quân sự dưới biển, Clark tiết lộ vào cuối Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã tăng cường thêm cho hệ thống SOSUS bằng đội tàu thuộc Hệ thống cảm biến mảng kéo giám sát (SURTASS), tạo ra một hệ thống tân tiến hơn hiện được gọi là IUSS.

Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS).
Hệ thống này lần đầu tiên được xây dựng vào đầu những năm 1950 với tên gọi Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS). (Ảnh: DVIDS).

Mặc dù hệ thống IUSS đã được công khai rộng rãi, nhưng vị trí chính xác của một số cảm biến và các thành phần của hệ thống này vẫn là thông tin tối mật.

Tuy nhiên, theo thông tin vị trí được giải mật từ những năm 1970 cho thấy các bộ phận cảm biến của SOSUS được bố trí ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Tây của nước Mỹ, gần các căn cứ tàu ngầm.

Đoạn kết buồn cho hành trình giải cứu mang tầm cỡ quốc tế

Ông Clark cũng cho rằng đầu thu sóng nước của SOSUS nhiều khả năng đã phát hiện ra những khoảnh khắc cuối cùng của tàu ngầm Titan. Trước đó, một nguồn tin cấp cao của Hải quân Mỹ cũng tiết lộ với NPR rằng SOSUS đã thu lại tiếng nổ khi tàu Titan mất liên lạc.

Brynn Tannehill, cựu phi công Hải quân từng lái máy bay chống tàu ngầm và có thời gian làm người điều khiển sonar trên tàu ngầm, lưu ý rằng tiếng ồn thu được từ dưới đáy biển thường mơ hồ và luôn cần thêm thông tin trước khi đưa ra kết luận.

"Nhìn chung, nếu không có sự xác nhận rõ ràng, những gì bạn có thể nói chỉ là tiếng ồn phù hợp với một vật X nào đó. Cho đến khi tìm thấy mảnh vỡ, bạn không thể loại trừ nó có thể là hoạt động quân sự mà nước Mỹ chưa từng biết hoặc chỉ đơn giản là các hoạt động thương mại", Tannehill viết trên trang cá nhân.

Trong khi đó, Chris Drew, cựu nhà báo quân đội và tác giả điều tra vụ chìm tàu ​​Hải quân USS Thresher vào năm 1963 cũng lưu ý rằng những âm thanh có thể trở nên mơ hồ hơn bởi tính chất bất thường của tàu ngầm loại nhỏ.

Cả Drew và Tannehill đều cho rằng Tuần duyên Mỹ đã đúng khi tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, bất chấp dữ liệu âm thanh từ Hải quân. "Bạn không thể ngừng tìm kiếm dựa trên một âm thanh", Drew nói.

 Máy bay của Tuần duyên Mỹ được triển khai để tìm kiếm tàu ngầm Titan.
Máy bay của Tuần duyên Mỹ được triển khai để tìm kiếm tàu ngầm Titan. (Ảnh: AP).

Hôm 22/6, Tuần duyên Mỹ chính thức xác nhận cả 5 người trên tàu lặn Titan đã thiệt mạng sau vụ tai nạn 4 ngày trước đó. Con tàu này được cho đã bị “ép bẹp” ở độ sâu gần 4km dưới mực nước biển.

Phương tiện lặn robot được triển khai từ một con tàu Canada đã xác định được vị trí một số mảnh vỡ dưới đáy biển, cách xác tàu Titanic khoảng 490 m và ở độ sâu 4km. Nhà chức trách sau đó xác nhận các mảnh vỡ này thuộc về tàu lặn Titan, theo Reuters.

Đây là đoạn kết đáng buồn đối với chiến dịch tìm kiếm và giải cứu quốc tế quy mô lớn dành cho tàu Titan.

Các quan chức cho biết robot phát hiện 5 mảnh vỡ chính, bao gồm đuôi tàu và hai phần thân tàu. Kết quả phân tích cho thấy đã xảy ra vụ nổ buồng áp suất của tàu lặn.

Những hành khách có mặt trên tàu gồm nhà thám hiểm Anh Hamish Harding, chuyên gia tàu ngầm Pháp Paul-Henri Nargeolet, tỷ phú Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman, và Tổng giám đốc OceanGate Expeditions Stockton Rush.

Cập nhật: 26/06/2023 Zing
  • 391