Công nghệ nhìn xuyên tường là có thật

  •   4,34
  • 8.168

Nhưng tất nhiên, chúng ta phải sử dụng một thiết bị đặc biệt để có thể làm điều đó.

Công nghệ nhìn xuyên tường đã trở thành hiện thực

"Nhìn xuyên tường" là một thứ gì đó được nhắc đến nhiều trong phim ảnh và game hơn là đời thực. Thế nhưng nỗ lực nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Khoa học máy tính và Trí thông minh nhân tạo tại RMIT đã thay đổi điều đó. Giờ đây chúng ta có thể biết chính xác có những ai ở phòng bên và họ đang làm gì.

Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ đến việc sử dụng các máy đo nhiệt để làm điều đó. Không, phương pháp mới hoạt động tốt hơn và tất nhiên là sẽ không bị nhiễu với các nguồn nhiệt khác nhau. Được gọi là RF-Capture, thiết bị mới sẽ sử dụng các tin hiệu không dây (bạn có thể hiểu nó giống như sóng wifi vậy) để làm việc này. Nó sẽ phát đi các tín hiệu sóng xuyên tường này và nhận các sóng phản hồi - giống như cách đo độ sâu của tàu ngầm hiện nay.

Nguyên lý hoạt động của RF-Capture cũng khá dễ hiểu. Tất cả các tia sóng sau khi được phát ra sẽ có phản hồi từ các vị trí khác nhau của một cơ thể phía bên kia tường. Dù người đó đang đứng yên, di chuyển thì RF-Capture cũng sẽ nhanh chóng nhận được các tín hiệu tương ứng.

Công việc còn lại là dành cho những thuật toán xử lý đặc biệt để lắp ghép những dữ liệu này thành thông tin cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu, họ đã đạt đến mức độ có thể nhận diện một chữ viết tay trong không khí của một người ở phòng bên.

Công nghệ này đã được các nhà nghiên cứu tại RMIT thực hiện nhiều năm qua. Vào năm 2013, họ sử dụng một công nghệ tương tự sóng vô tuyến để xác định chuyển động ở bên kia một vật chắn (như bức tường). Còn giờ đây, RF-Capture đã đủ sức mạnh để xác định một cách chuẩn xác hình dạng của một con người với độ chính xác lớn hơn 90%. Nó thậm chí có thể phân biệt được 15 người khác nhau trong cùng một căn phòng, và xác định được hơi thở, nhịp tim của họ.


Mô tả cách RF-Capture hoạt động.

Theo các nhà nghiên cứu, họ dự kiến sẽ sử dụng công nghệ này để theo dõi những người già neo đơn (khá phổ biến ở các nước phát triển) trong căn nhà của họ. Bằng cách này, người ta sẽ biết ngay khi họ có vấn đề sức khỏe, hay thậm chí là ngã xuống.

Tất nhiên, để phòng tránh việc công nghệ bị lạm dụng trong việc theo dõi người khác, những nhà nghiên cứu còn đang tạo ra các quy định sử dụng cho công nghệ này. Bởi nếu nó bị lạm dụng bởi ai đó, chúng ta sẽ phải lo lắng thực sự cho tự do của chính mình.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,34
  • 8.168