Cuộc giải cứu "bằng chứng văn minh nhân loại" nặng nửa tấn của các nhà khoa học tại cực Nam Lục địa đen

  •  
  • 860

Bằng chứng về nền văn minh nhân loại với tuổi đời hàng vạn năm đã được "giải cứu" mới đây ở một bờ biển Nam Phi.

Những đột phá khoa học có thể xảy ra theo những cách và tại các địa điểm kỳ lạ nhất. Alexander Fleming đã phát hiện ra penicillin do nấm mốc phát triển trên đĩa Petri để ngoài khi ông đang đi nghỉ. Các nhà sư Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9 muốn chế tạo một loại thuốc trường sinh bất tử: thay vào đó, họ phát hiện ra thuốc súng.

Khám phá đáng chú ý của một nhóm nhà khoa học châu Phi ở Đại học Nelson Mandela xảy ra trên một dải bờ biển gồ ghề, xa xôi ở phía đông Vịnh Still trên bờ biển phía nam Cape Town của Nam Phi. Khi đó thủy triều đang xuống và 3 thành viên trong nhóm nghiên cứu hóa thạch đang tìm kiếm các vết tích của động vật có xương sống thời kỳ Pleistocen mới lộ ra trước đó.

Ở phía trước, họ tìm ra một tảng đá lớn bị đổ xuống từ những vách đá phía trên. Trên bề mặt của nó là một họa tiết các đường rãnh thẳng có dạng hình tam giác lớn, hoàn chỉnh với một đường rãnh trung tuyến khác gần như hoàn hảo. Các cạnh của hình tam giác có chiều dài gần 1 mét.

Một tảng đá lớn màu xám được bao quanh bởi những viên đá nhỏ hơn và những hạt cát thô.
Một tảng đá lớn màu xám được bao quanh bởi những viên đá nhỏ hơn và những hạt cát thô. Trên tảng đá lớn có chạm khắc hình tam giác.

Sau khi nghiên cứu sâu, nhóm nhà khoa học kết luận rằng những đường rãnh này phải được tạo ra trên bề mặt cồn cát do tổ tiên loài người của chúng ta vào thời kỳ đồ đá giữa tạo ra. Các họa tiết này có thể từ 143.000 đến 91.000 năm tuổi.

Đó là một phát hiện quan trọng ở một nơi quan trọng. Nhiều bằng chứng trên đường bờ biển cực Nam châu Phi này chỉ ra đó là khu vực mà tổ tiên xa xưa đã bắt đầu nhen nhóm văn minh, sử dụng lửa như một công cụ kỹ thuật và tạo ra những hình ảnh trừu tượng.

Nhưng có một vấn đề. Trong một lần khảo sát tiếp theo, họ tìm thấy tảng đá nhỏ hơn gần đó có hình tam giác tương tự. Tuy nhiên, nó đã bị phá hủy do thủy triều. Trước viễn cảnh tảng đá khổng lồ còn nguyên vẹn nặng cỡ 500kg có thể bị phá hủy, họ đặt ra nhiệm vụ "giải cứu" nó.

Suy cho cùng, đây là bằng chứng về "nghệ thuật" thời tiền sử mà tổ tiên loài người đã tạo ra được từ cách đây rất lâu.

Một nhiệm vụ "giải cứu"

Với kích thước và trọng lượng của tảng đá, chỉ có một cách để vận chuyển nó: với một chiếc trực thăng, một phi công lành nghề và một tấm lưới chắc chắn được gắn vào một sợi dây cáp dài.

Nhóm nghiên cứu đã tích lũy kinh phí thông qua các khoản đóng góp có trả tiền của họ cho một dự án sách. Số tiền đó dành cho việc thuê một máy bay trực thăng và phi công tư nhân, cũng như đưa đội mặt đất vào thực địa ngay trong ngày. Họ cũng đã xin phép cơ quan quản lý di sản và chủ mảnh đất.

Đó là một quá trình căng thẳng. Tảng đá có thể đã bị vỡ khi nó được nâng lên khỏi vị trí bên vách đá, hoặc có thể rơi xuống biển. Nhưng ngày 29/9/2022 - "Ngày khôi phục" theo cách gọi của nhóm - đã diễn ra suôn sẻ.

Tảng đá được đưa lên bằng trực thăng.
Tảng đá được đưa lên bằng trực thăng.

Đội ngũ mặt đất và phi công trực thăng đã phối hợp tuyệt vời. Vài phút sau khi được nâng ra khỏi vị trí hẻo lánh, tảng đá đã được an toàn trên một chiếc xe tải tại sân bay địa phương. Từ đó, nó bắt đầu một cuộc hành trình rất thận trọng đến Bảo tàng Khảo cổ học Blombos ở Vịnh Still gần đó. Tại đây, nó đã được nâng lên và nhẹ nhàng di chuyển vào vị trí bởi hàng chục tình nguyện viên.

Tảng đá sau đó đã được bao bọc và đưa vào triển lãm, với các bảng văn bản diễn giải. Nó tham gia các cuộc triển lãm tương tự trong bảo tàng; các rãnh là một ví dụ của ammoglyph, một thuật ngữ mà nhóm nhà khoa học đặt ra để mô tả một họa tiết do con người tạo ra trên cát, hiện rõ ràng trên tảng đá sau quá trình hóa thạch.

Việc khám phá này trở nên quan trọng khi chúng ta có bằng chứng rõ ràng rằng con người từ thời đồ đá rất xa đã có khái niệm về biểu tượng hay thậm chí là hình học.

Cập nhật: 29/10/2022 Trí Thức Trẻ
  • 860