Đã có hơn 230 bác sĩ, nhân viên y tế tử vong vì virus Ebola

  •  
  • 334

Khoảng 400 nhân viên chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đã nhiễm Ebola và hơn 230 trường hợp tử vong.

Tờ Forbes ngày 16/10 đưa tin, theo Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF), chỉ riêng trong tuần này đã có tới 16 nhân viên của họ được chẩn đoán mắc bệnh và 9 người đã không qua khỏi. Trên toàn cầu, có khoảng 400 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã nhiễm Ebola và hơn 230 trường hợp tử vong.

Mới đây, một nhân viên y tế của Liên Hợp Quốc bị nhiễm virus Ebola qua đời tại bệnh viện ở Đức, sau chưa đầy một tuần được chuyển tới để điều trị. Bác sĩ Sheik Umar Khan, người anh dũng dẫn đầu cuộc chiến chống Ebola tại Sierra Leone cũng mắc bệnh và qua đời. Bác sĩ hàng đầu của Liberia, Samuel Brisbanem từng là tư vấn y tế cho cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor, cũng đã thiệt mạng vì căn bệnh này.

Đã có hơn 230 bác sĩ, nhân viên y tế tử vong vì virus Ebola
Bác sĩ Sheik Umar Khan, 39 tuổi, từng được Bộ Y tế Sierra Leone đánh giá là một "anh hùng dân tộc" qua đời vì Ebola. (Ảnh: Reuters)

Chăm sóc cho bệnh nhân Ebola là đặc biệt phức tạp, cần sự giám sát liên tục của nhân viên y tế. Các bác sĩ và y tá đòi hỏi phải thực hiện biện pháp bảo vệ toàn diện để đảm bảo tránh khỏi các chất dịch tiết ra từ cơ thể bệnh nhân.

Hai trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ là đôi y tá đã điều trị cho Thomas Ducan, người Liberia đầu tiên được chẩn đoán mắc Ebola tại Mỹ. Y tá Nina Phạm và Amber Joy Vinson là hai trong số hơn 70 nhân viên y tế đã chăm sóc Duncan trong thời gian 10 ngày ông này điều trị tại Bệnh viện Presbyterian Dallas.

Các y tá vừa khiếu nại với Hiệp hội Y tá Quốc gia Mỹ vì họ không được mặc đồ bảo hộ thích hợp khi chăm sóc bệnh nhân, chỉ "tiếp xúc với Duncan bằng bất cứ thiết bị bảo hộ nào có sẵn". Cũng trong đơn khiếu nại của các y tá, Duncan đã nằm ở một khu vực không cách ly trong khoa cấp cứu suốt nhiều giờ và có khả năng lây lan virus cho các bệnh nhân khác. Các y tá chăm sóc Duncan cũng đồng thời điều trị cho nhiều bệnh nhân trong bệnh viện.

Nỗi lo ngại thiếu sự đào tạo chuyên môn, trang thiết bị, cách thức bảo hộ... đang ngày càng dâng cao trong đội ngũ nhân viên y tế Mỹ. Những điều này đã đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ khủng khiếp hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch tồi tệ Ebola.

Theo Vnexpress
  • 334