Dân Anh nổi giận với nghiên cứu vịt tắm

  •  
  • 1.206

Số tiền gần 420.000 USD từ thuế được chi chỉ để nghiên cứu về các kiểu tắm mà vịt thích nhất, với kết luận chúng khoái tắm vòi hoa sen, đã khiến người dân xứ sương mù giận dữ.

Ảnh: wordpress.com.

Để đảm bảo rằng vịt được chăm sóc đúng cách trong môi trường nuôi nhốt, các nhà khoa học của Đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu trên. Bộ Môi trường, lương thực và các vấn đề nông thôn (DEFRA) của Anh đã tài trợ 300.000 bảng (420.000 USD) cho công trình này.

Trong suốt 3 năm, các chuyên gia đã cho vịt tắm trong máng xối, ao, mương, hồ, bồn tắm và nhiều loại nguồn nước khác. Cuối cùng họ rút ra kết luận: vịt thích tắm dưới vòi hoa sen. Quá trình nghiên cứu được mô tả như sau: Thời gian ngâm nước của con vịt sử dụng vòi hoa sen nhiều gấp đôi so với những con tắm bằng hình thức khác. Lượng nước mà chúng uống trong quá trình tắm cũng nhiều hơn khoảng 30% so với những con kia.

Sau khi báo cáo nghiên cứu trên được công bố, nhiều người dân Anh tỏ ra giận dữ. Anthony Rew, chủ tịch Hội nông dân quốc gia, cho rằng việc sử dụng tiền của người đóng thuế để tài trợ cho một nghiên cứu như thế là sai lầm ngớ ngẩn. “Những người chủ trương tài trợ tiền nên rời khỏi London và tới các trang tại ở nông thôn để xem người dân làm việc thế nào. Như thế họ mới có thể đề ra những chính sách thiết thực hơn”, ông phát biểu.

Geoffrey Cox, nghị sĩ của đảng Bảo thủ, thì bình luận một cách châm biếm: “Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay người dân cần có những câu chuyện hài hước để quên đi khó khăn và DEFRA đã tạo nên một câu chuyện như thế”. Susie Squire, một lãnh đạo Liên minh những người đóng thuế Anh đặt câu hỏi: “Thật chẳng hiểu tại sao chính phủ lại cấp tiền cho nghiên cứu vô nghĩa đó”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của DEFRA phản bác: “Nghiên cứu này xem xét những vấn đề liên quan tới sức khỏe của vịt nuôi. Nó nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia thuộc Hội đồng gia cầm Anh. Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để đảm bảo rằng vịt sẽ được nuôi trong những điều kiện tốt nhất, đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng. Thật đáng thất vọng là nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa tốt đẹp của nghiên cứu”.

Theo VnExpress (Telegraph)
  • 1.206