Đàn cá tuyết ăn 10 triệu con cá trứng trong vài giờ

  •  
  • 130

Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ sóng âm phát hiện sự kiện săn mồi lớn nhất từng được ghi nhận cả về số lượng cá thể tham gia và diện tích nơi hoạt động diễn ra.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ Massachusetts và các nhà hải dương học Na Uy hé lộ tương tác giữa động vật săn mồi và mồi săn ở biển. Màn kiếm ăn điên cuồng diễn ra ngoài khơi Na Uy, trong đó một đàn cá tuyết ăn hơn 10 triệu con cá trứng trong vòng vài giờ. Nghiên cứu cho thấy dù bơi trong đám đông có thể cung cấp những lợi ích như tăng hiệu quả tìm mồi và đề phòng động vật săn mồi, hành vi này cũng có thể khiến một số loài cá dễ bị tấn công hơn, đặc biệt khi đám đông quá lớn và dày đặc. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Biology.

 Số lượng cá trứng bị ăn thịt lên tới hơn 10 triệu con.
Số lượng cá trứng bị ăn thịt lên tới hơn 10 triệu con. (Ảnh: iStock).

Theo Nicholas Makris, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hải dương ở MIT, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến tương tác giữa động vật săn mồi và mồi săn ở quy mô khổng lồ như vậy. Đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn.

Cá trứng là loài cá Bắc Cực nhỏ có kích cỡ tương đương cá trổng. Mỗi dịp tháng 2, hàng tỷ con cá trứng di cư từ dải băng Bắc Cực tới vùng ven biển Na Uy để đẻ trứng. Tuy nhiên, sự kiện cũng trùng với đợt di cư về phương nam của cá tuyết Đại Tây Dương, một loài chuyên ăn cá trứng. Dù từ lâu các nhà khoa học đã biết quan hệ giữa hai loài, họ chưa từng đo hoạt động săn mồi ở quy mô lớn như vậy.

Sử dụng công nghệ chụp ảnh sóng âm tiên tiến, nhóm nghiên cứu quan sát tương tác giữa động vật săn mồi và mồi săn ở biển Na Uy. Cá tuyết tập hợp với nhau, áp đảo so với mồi săn và ăn ngấu nghiến hơn 10 triệu con cá trứng trong thời gian ngắn. Đây là sự kiện săn mồi lớn nhất từng được ghi nhận cả về số lượng cá thể liên quan lẫn khu vực diễn ra.

Để tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia xem xét lại dữ liệu thu thập trong một chuyến thám hiểm năm 2014 tới biển Barents, sử dụng hệ thống Ocean Acoustic Waveguide Remote Sensing (OAWRS). OAWRS là kỹ thuật chụp ảnh dựa trên sóng âm, dùng một chùm nguồn âm đặt theo chiều dọc để phát sóng âm vào đại dương. Những sóng âm này di chuyển qua nước, bật lại từ vật thể như cá và cấu trúc dưới nước khác.

Một thuyền khác trang bị bộ thu nhận âm thanh, tiếp tục thu thập sóng âm phản xạ lại từ khoảng cách hàng chục kilomet. Các nhà khoa học sau đó phân tích dữ liệu để tạo ra bản đồ đại dương theo thời gian thực. "Cá có bong bóng dội âm giống như chiếc chuông. Cá tuyết có bong bóng lớn với tiếng dội trầm trong khi cá trứng có bong bóng nhỏ xíu dội âm giống những nốt cao nhất trên đàn piano", Makris mô tả.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự kiện săn mồi hàng loạt này ít có khả năng ảnh hưởng lớn tới số lượng cá trứng nói chung. Tuy nhiên, nó hé lộ nguy cơ tiềm ẩn mà loài cá này đối mặt do biến đổi khí hậu. Khi băng Bắc Cực thu hẹp, cá tuyết sẽ phải di cư quãng đường dài hơn, khiến chúng dễ bị tấn công hơn. Việc theo dõi liên tục số lượng cá tuyết và tương tác của chúng với động vật săn mồi rất quan trọng nhằm hiểu rõ và giảm thiểu các mối đe dọa, đảm bảo sự lành mạnh của hệ sinh thái biển.

Cập nhật: 01/11/2024 VnExpress
  • 130