Béo phì thường được tranh luận về mặt hấp thu calo (một người ăn bao nhiêu) và đầu ra năng lượng (một người vận động nhiều hay ít). Tuy nhiên, theo một nhà khoa học thuộc trường Đại học Missouri-Columbia, những chất hóa học trong môi trường được tìm thấy trong các chất nhựa hàng ngày hay thuốc trừ sâu cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh béo phì.
Frederick Vom Saal, giáo sư khoa học về sinh học thuộc khoa Mỹ thuật và Khoa học của trường Đại học Missouri-Columbia đã phát hiện ra rằng khi những bào thai tiếp xúc với các chất hóa học này thì hướng hoạt động của các gien của chúng có thể bị thay đổi làm cho chúng dễ bị béo phì hay bệnh tật.
Vom Saal cho biết: “Những chất nào đó trong môi trường được gọi là những chất hóa học phá vỡ nội tiết có thể thay đổi hoạt động của các gien của một bào thai làm thay đổi hệ trao đổi chất của một trẻ sơ sinh và làm cho bé trai hay bé gái ấy có khả năng mắc phải chứng béo phì. Cá nhân này có thể ăn cùng món và vận động giống như ai đó có hệ trao đổi chất bình thường nhưng anh hay chị ấy sẽ trở nên béo phì trong khi người kia thì vẫn mảnh khảnh. Đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì bệnh béo phì đặt người ta vào nguy cơ mắc phải những vấn đề khác bao gồm ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh về tim mạch và chứng tăng huyết áp.”
Dùng những con chuột trong phòng thí nghiệm, Vom Saal đã nghiên cứu ảnh hưởng của những chất hóa học phá vỡ nội tiết bao gồm hợp chất hóa học bisphenol-A mà gần đây trở thành tin tức ở San Francisco, nơi mà sự tranh cãi xảy ra sau quy định tìm kiếm và nghiêm cấm việc sử dụng bisphenol-A trong các sản phẩm dành cho trẻ em. Trong cuộc nghiên cứu gần đây của vom Saal mà ông sẽ trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ 2007 (AAAS), ông đã phát hiện ra rằng những chất hóa học phá vỡ nội tiết làm cho chuột sinh ra với trọng lượng rất thấp rồi sau đó tăng trọng lượng lớn một cách bất thường trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể chỉ trong vòng 7 ngày. Vom Saal đã theo dõi những con chuột trên khi chúng già đi và thấy rằng chúng bị “béo phì” trong suốt cuộc đời chúng. Ông nói rằng những nghiên cứu về các đứa trẻ có trọng lượng thấp khi mới sinh cho thấy sự bù đắp thái quá sau khi sinh dẫn đến bệnh béo phì suốt đời.
Những chất hóa học được nghi là phá vỡ nội tiết như sản phẩm chăm sóc cá nhân, kim loại, chất hóa học công nghiệp, dược phẩm... (Ảnh: dnr.metrokc.gov) |
Phải tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu hơn để xác định những chất hóa học nào gây ra ảnh hưởng này. Theo Vom Saal, có khoảng 55.000 chất hóa học nhân tạo trên thế giới và 1.000 trong số này có thể rơi vào loại phá vỡ nội tiết. Những chất hóa học này có thể được tìm thấy trong những sản phẩm thông thường từ chai và thùng nhựa đến thuốc trừ sâu và hàng điện tử.
Vom Saal cho biết: “Bạn thừa hưởng gien nhưng những gien đó phát triển như thế nào trong suốt giai đoạn đầu đời của bạn cũng đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng bị béo phì hay bệnh tật. Những người có hệ trao đổi chất khác thường phải sống những lối sống hoàn toàn không giống ai để không bị béo phì bởi vì những hệ này của họ hoạt động sai chức năng. Chúng ta cần phải tìm hiểu xem mình có thể làm gì để hiểu và ngăn chặn điều này.”
“Sự định sẵn chứng béo phì trong thời kỳ chu sanh: Tương tác giữa Chất dinh dưỡng và Những tiếp xúc với môi trường” là tên bài thuyết trình của vom Saal tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ 2007 (AAAS). Cùng trình bày với Vom Saal tại Hội nghị AAAS còn có Reth Newbold thuộc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, Bruce Blumberg thuộc trường Đại học California-Irvine, George Corcoran thuộc trường Đại học Quốc gia Wayne và James O'Callaghan thuộc Viện về An toàn và Sức khỏe Lao động Quốc gia.
Kim Tuyến