Đầu quái thú 40.000 năm vẫn nguyên vẹn tại vùng Siberia

  •   52
  • 47.274

Phần đầu quái thú thời tiền sử được bảo vệ tốt đến mức não bên trong sau hàng chục thiên niên kỷ vẫn không bị phân hủy.

Theo Daily Star, các nhà khoa học cho biết phần đầu quái thú dài gần nửa mét này thuộc về một con sói thời tiền sử. Nó được tìm thấy gần sông Tirekhtyakh, vùng Siberia, Nga bởi Pavel Efimov, một người dân địa phương, vào mùa hè năm 2018 nhưng đến nay giới khoa học mới công bố.

"Đây là một khám phá độc đáo về phần còn lại của một con sói vào Thế Pleistocene đã trưởng thành hoàn toàn với mô được bảo quản rất tốt. Chúng tôi sẽ so sánh nó với những con sói thời hiện đại để hiểu loài này đã phát triển như thế nào và tái tạo lại diện mạo của nó", nhà nghiên cứu sinh vật học Albert Protopopov từ Học viện Khoa học Cộng hòa Sakha thông tin.

Đầu quái thú thời tiền sử được phát hiện ở Siberia.
Đầu quái thú thời tiền sử được phát hiện ở Siberia.

Giới nghiên cứu đang phân tích kỹ phần đầu của con sói thời tiền sử.
Giới nghiên cứu đang phân tích kỹ phần đầu của con sói thời tiền sử.

Các nhà khoa học cho biết con quái thú lớn hơn nhiều so với loài chó sói ngày nay. Chỉ riêng phần đầu của nó đã bằng nửa người chó sói thời nay. Ngoài ra, quái thú thời tiền sử còn sở hữu bộ lông dày như voi ma mút và răng nanh khổng lồ.

Protopopov, cùng với các nhà khoa học từ Thụy Điển và Nhật Bản, đã nghiên cứu cái đầu, được cho là từ một con sói trưởng thành từ hai đến bốn tuổi.

Công việc của họ bao gồm phân tích DNA của động vật cổ đại và sử dụng các kỹ thuật chụp cắt lớp để không xâm lấn bên trong hộp sọ của mẫu vật.

Theo Protopopov, việc tìm thấy sọ sói trong quá trình băng Siberia tan không phải là hiếm, nhưng chúng hiếm khi ở cùng cấp độ với loài săn mồi cổ đại khổng lồ này.

Nguyên nhân đầu sói bị chôn vùi vẫn chưa được lý giải.
Nguyên nhân đầu sói bị chôn vùi vẫn chưa được lý giải.

"Sự độc đáo của phát hiện này là chúng tôi đã tìm thấy đầu của một con sói trưởng thành với các mô mềm và não được bảo quản hoàn hảo”, Protopopov cho biết.

Nguyên nhân đầu sói bị chôn vùi vẫn chưa được lý giải. Một giả thuyết cho rằng đây là phần thưởng của một thợ săn thời tiền sử. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị bác bỏ vì loài người bắt đầu sinh sống tại vùng phía bắc nước Nga cách đây 32.500 năm, trong khi thời gian xuất hiện của chiếc đầu sói là khoảng 40.000 năm.

Chuyên gia tại viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển sẽ tiến hành kiểm tra về ADN của con quái thú thời tiền sử, tờ Siberian Times đưa tin.

"Các nhà khoa học sẽ so sánh nó với loài sói hiện nay để tìm hiểu cách loài sói tiến hóa và tái tạo diện mạo của quái thú thời tiền sử", tiến sĩ Protopopov cho hay.

Cập nhật: 29/06/2020 Theo Dân Việt/Dân Trí
  • 52
  • 47.274