Dấu vết của đại dương mênh mông trên mặt trăng của Diêm Vương

  •   34
  • 6.948

Trên Charon - vệ tinh (hay mặt trăng) lớn nhất của Diêm Vương (Pluto) - có thể từng có một đại dương bao phủ bề mặt trước khi bị đóng băng và nở ra, khiến lớp vỏ hành tinh này căng ra và nứt gãy.

Phân tích các hình ảnh chụp chi tiết bề mặt hành tinh từ tàu vũ trụ New Horizon, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết có một hệ thống những khe nứt gãy do bị kéo rời ở khu vực xích đạo của mặt trăng này.

Bề mặt của mặt trăng Charon, phía xa là Diêm Vương tinh.
Bề mặt của mặt trăng Charon, phía xa là Diêm Vương tinh.

Theo ảnh chụp từ tháng 7/2015 ở khoảng cách 78.700km, các khe nứt này dài tới 1.800 km và nhiều điểm có độ sâu tới 7,5km, gấp nhiều lần so với khu vực nứt gãy Grand Canyon ở bang Arizona của Mỹ với chiều dài 446km và độ sâu chỉ 1,6km. Đây cũng là những khe nứt gãy dài nhất từng quan sát được trong Hệ Mặt trời.

Dựa vào các phân tích, các nhà khoa học cho rằng hàng triệu năm trước, khi Charon đang ở thời kỳ trẻ, lớp bề mặt của mặt trăng này được giữ ấm nhờ quá trình phân rã của các hạt phóng xạ cũng như nhiệt lượng riêng của hành tinh này trong thời kỳ hình thành.

Các yếu tố này khiến đại dương nước bao phủ bề mặt Charon không bị đóng băng. Tuy nhiên, qua thời gian, khi Charon mất dần nhiệt lượng, đại dương này dần đóng băng và nở ra, kéo căng bề mặt của hành tinh và tạo ra những khe nứt gãy ngày nay.

Diêm Vương là hành tinh lùn nằm ngoài rìa Hệ Mặt trời, cách trung tâm 5,8 tỷ km. Charon là mặt trăng lớn nhất trong số 5 vệ tinh tự nhiên của Diêm Vương có đường kính bằng 1/2 hành tinh này. Theo các nhà khoa học, nhiều mặt trăng khác trong Hệ Mặt Trời vẫn còn có các đại dương ngầm dưới bề mặt như Europa và Ganymede của Sao Mộc, Encaladus của Sao Thổ. Đây cũng là nơi các tàu thăm dò đang tìm kiếm dấu hiệu của các dạng sống đơn bào.

Cập nhật: 25/02/2016 Theo TTVH
  • 34
  • 6.948