Đề tài nghiên cứu tài nguyên môi trường được USAID tài trợ

  •  
  • 4.530

Ba đề tài nghiên cứu về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo được các Cơ quan Phát triển Quốc tế và Quỹ khoa học tự nhiên Hoa Kỳ tài trợ.

Các nhà khoa học Việt Nam cùng đối tác người Mỹ sẽ được nhận 3 khoản tài trợ nghiên cứu khoa học từ một chương trình của Hoa Kỳ tài trợ dành cho nghiên cứu khoa học tại các quốc gia đang phát triển. Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội thông báo như vậy hôm qua 27/6/2013.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ khoa học tự nhiên (NSF), trong khuôn khổ chương trình tài trợ Đối tác Tăng cường Nghiên cứu Khoa học (PEER), đã thông báo kết quả đợt 2 về tài trợ cho hợp tác nghiên cứu khoa học. PEER là chương trình tài trợ được USAID cấp ngân quỹ và do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) và Quỹ NSF quản lý.

Đề tài nghiên cứu tài nguyên môi trường được USAID tài trợ
Đa dạng sinh học. (Ảnh: disanxanh.cinet)

Các chương trình nghiên cứu của Việt Nam được nhận tài trợ bao gồm:

Một là, Di truyền học bảo tồn phục vụ cải thiện đa dạng sinh học và tăng cường quản lý tài nguyên tại đồng bằng sông MeKong đang thay đổi. Chương trình này sẽ nghiên cứu tính thích ứng về mặt di truyền của các quần thể trong điều kiện môi trường thay đổi do phát triển đập, phát triển nông nghiệp và biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông MeKong.

Các nhà khoa học tham gia vào đề tài nghiên cứu này là Bà Đặng Thúy Bình thuộc Đại học Nha Trang và Kent E. Carpenter thuộc Đại học Old Dominion của Hoa Kỳ.

Hai là, Phát triển kĩ thuật và thử nghiệm hiện trường một loại thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng khép kín và giá thành rẻ. Dự án này sẽ nghiên cứu phát triển một thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng có thể triển khai ngoài hiện trường để đáp ứng nhu cầu điện cơ bản cho những người sinh sống ở khu vực khó khăn và các cộng đồng ven biển hẻo lánh ở Việt Nam. Dự án nghiên cứu này sẽ tập trung phát triển hơn nữa một thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng để tăng tính hiệu quả về điện năng và cơ học, giảm giá thành sản xuất và xem xét các tiềm năng sử dụng chẳng hạn như một hệ thống cảm biến đại dương.

Các nhà khoa học tham gia vào đề tài nghiên cứu này là Nguyễn H. Thọ thuộc trường Đại học Tân Tạo và Brian Bingham thuộc trường Đại học Hawaii.

Ba là, Đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước ngầm. Dự án nghiên cứu này sẽ thu thập mẫu nước ngầm ở khu vực xung quanh Hà Nội để đánh giá các rủi ro về ô nhiễm asen. Các nhà khoa học trẻ sẽ được đào tạo và tiến hành thu thập mẫu nước cũng như thông tin cần thiết để đảm bảo tính bền vững và an toàn của tầng chứa.

Các nhà khoa học tham gia vào dự án nghiên cứu này gồm Phạm T.K. Trang thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Benjamin Carlos Bostick thuộc Đại học Columbia.

USAID và Quỹ NSF đã quyết định tài trợ cho 54 dự án nghiên cứu khoa học của 32 quốc gia trong năm nay với tổng số kinh phí là 7,5 triệu đôla để hợp tác trong các lĩnh vực như nông lâm nghiệp, làm sạch nước ngầm, đa dạng sinh học, giảm rủi ro từ núi lửa, hạn hán và biến đổi khí hậu.

Những người được nhận tài trợ từ chương trình PEER đã được chọn ra từ gần 300 hồ sơ đề án nghiên cứu chất lượng cao và nhờ tác dụng đòn bảy từ nguồn ngân quỹ của Quỹ các dự án này còn được cấp ngân quỹ là 76 triệu đôla thông qua các hoạt động cộng tác với các đối tác nghiên cứu Hoa Kỳ.

Dự kiến sẽ có thông báo nhận hồ sơ đợt ba vào đầu tháng 9/2013.

Theo Vietnamnet
  • 4.530