Với khứu giác nhạy gấp 500 lần chuột thường, những con chuột biến đổi gene có thể trở thành công cụ phá mìn hiệu quả của con người trong tương lai.
Tiến sĩ Charlotte D'Hulst, một nhà nghiên cứu của Đại học City tại New York, Mỹ cùng các đồng nghiệp biến đổi gene ở những con chuột để tăng khả năng phát hiện mùi thuốc nổ Dinitrotoluene (DNT) của chúng lên 500 lần. DNT có thành phần hóa học gần giống Trinitrotoluene (TNT), loại thuốc nổ phổ biến trong mìn, Telegraph đưa tin.
Khả năng phát hiện chất nổ DNT của chuột biến đổi
gene cao gấp 500 lần chuột thường. (Ảnh: Telegraph)
Chuột phát hiện phần lớn mùi nhờ khoảng vài nghìn tế bào thần kinh cảm nhận mùi trong mũi. Nhưng kỹ thuật biến đổi gene khiến số lượng tế bào thần kinh cảm nhận mùi tăng lên tới một triệu nên khả năng phát hiện mùi DNT của chúng tăng lên tới 500 lần.
Các thử nghiệm cho thấy chuột biến đổi gene có thể phát hiện lượng thuốc nổ cực nhỏ trong phòng thí nghiệm. Hai con chuột có thể phát hiện toàn bộ mìn trong một khu vực có diện tích 300m2 trong hai giờ. Nếu hai chuyên gia rà mìn làm việc trên khu vực tương tự, họ sẽ hoàn thành công việc trong hai ngày.
Do chuột có trọng lượng nhỏ nên nếu chúng giẫm lên mìn thì mìn sẽ không nổ. Những chip điện tử siêu nhỏ được cấy dưới da chuột sẽ phát tín hiệu tới máy tính khi chúng phát hiện mùi của thuốc nổ. Những chuyên gia phá mìn sẽ căn cứ vào vị trí của chuột để xác định vị trí của mìn, nhờ đó họ giảm thiểu nguy cơ thương vong.
Apopo, tổ chức từ thiện tại Bỉ, từng huấn luyện thành công chuột túi lớn châu Phi thành những con vật có khả năng dò mìn. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện chuột túi lớn châu Phi kéo dài tới 9 tháng. Ngược lại, chuột biến đổi gene của Đại học City có thể phát hiện mìn dù không được huấn luyện.
Mặc dù vậy, D'Hulst vẫn nói rằng những con chuột của ông sẽ chỉ có thể dò mìn ngoài thực địa sau ít nhất 5 năm nữa.