Phân tích sợi lông của voi có thể cung cấp bằng chứng về chế độ ăn và hành vi của chúng, các nhà khoa học tuyên bố.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu những con voi hoang dã ở khu bảo tồn quốc gia Samburu, Kenya bằng cách theo dõi chúng từ thiết bị định vị toàn cầu và phân tích lông trên đuôi của chúng.
Nghiên cứu nhằm giúp các nhà bảo tồn quyết định xem nơi nào có thể trở thành nơi ẩn náu cho những sinh vật to lớn nhưng dễ bị săn bắn này.
Cuộc xung đột giữa người và voi ở Kenya đã trở thành chuyện thường ngày, khi dân số con người gia tăng. Những con voi bị các khu định cư của người chiếm mất nơi cư trú quen thuộc, chúng đói và phải đột nhập vào các khu canh tác của người kiếm ăn. Đôi khi, chúng bị giết hoặc bị bắn trả thù.
Để tìm hiểu hoạt động di chuyển của chúng, nhóm khoa học dẫn đầu bởi Thure Cerling từ Đại học Utah, Mỹ, đã gắn các thiết bị radio vào những con voi hoang dã. Họ phân tích thói quen lang thang của chúng trong 2 năm và thu thập mẫu lông đuôi voi. Khi nghiên cứu tỷ lệ giữa đồng vị carbon và nitơ tìm thấy trong tự nhiên, nhóm nghiên cứu đã vẽ lại được chế độ ăn của 7 con voi.
Tất cả, trừ một con, có thực đơn giống nhau. Con thứ bảy, một con voi đực có tên Lewis, ăn nhiều cỏ hơn hẳn, chứng tỏ nó đã đột nhập các trang trại trồng cấy gần đó.
Con vật đã bị bắn sau khi nghiên cứu kết thúc, có thể bởi tay nông dân, nhóm nghiên cứu quốc tế từ Mỹ, Anh và châu Phi cho biết.
"Vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào chúng ta đảm bảo được tương lai cho những con voi khi mà khu vực bảo tồn của chúng quá nhỏ", đồng tác giả của nghiên cứu Iain Douglas-Hamilton, sáng lập viên Quỹ bảo tồn voi ở Nairobi, Kenya, nói.
"Việc theo dõi chế độ ăn của voi thông qua các đồng vị ổn định sẽ giúp phân lập nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của chúng, và giúp vạch ra kế hoạch sử dụng đất hợp lý", ông nói.