Độc đáo ý tưởng dùng bong bóng xà phòng thụ phấn cho hoa

  •  
  • 347

Khi nhiều loài côn trùng thụ phấn đang dần biến mất do nhiều yếu tố, ý tưởng dùng robot súng bắn xà phòng để thụ phấn hoa là một giải pháp hiệu quả có thể cứu sống con người trong tương lai.

Những con ong bay gần một tổ ong ở Wehrheim, gần Frankfurt, Đức.
Những con ong bay gần một tổ ong ở Wehrheim, gần Frankfurt, Đức. (Ảnh: AP).

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí iScience hôm 17/6 cho biết một nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh thành công bong bóng xà phòng có thể được sử dụng để thụ phấn giúp cây đậu quả.

Đây được coi là một phát hiện quan trọng giúp con người có thêm cơ hội tạo ra nguồn thực phẩm trong những thập kỷ tới, khi loài ong đang đứng trước nguy cơ suy giảm quần thể đáng kể do nhiều yếu tố.

Ejiro Miyako, Phó Giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản có trụ sở tại Nomi, cho biết ông đã nghiên cứu phương pháp thụ phấn bằng robot trong nhiều năm, nhưng đều thất bại vì chiếc máy bay không người lái mà ông đang sử dụng khiến hoa bị dập nát.

Ý tưởng kỳ quặc về việc thử nghiệm bong bóng xà phòng bỗng lóe lên trong đầu Miyako khi ông đang chơi cùng con trai trong một công viên gần nhà của họ. Nhà khoa học đã được truyền cảm hứng từ việc một trong những quả bong bóng vô hại bị vỡ trên khuôn mặt của cậu bé ba tuổi.

Ông Miyako đã được truyền cảm hứng nghiên cứu khi thấy con trai chơi bong bóng xà phòng.
Ông Miyako đã được truyền cảm hứng nghiên cứu khi thấy con trai chơi bong bóng xà phòng. (Ảnh: AFP).

Sau đó, ông Miyako và đồng nghiệp Xi Yang đã sử dụng kính hiển vi để chứng minh khả năng bong bóng xà phòng có thể mang được hạt phấn hoa. Họ đã thử nghiệm theo 5 hướng khác nhau và tìm ra giải pháp được gọi là lauramidopropyl betaine – thường được sử dụng trong việc sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm - để tăng sự hình thành bọt. Những quả bóng bóng xà phòng này có khả năng mang theo hạt phấn hoa, sau khi vỡ, chúng sẽ đọng lại trên hoa.

Các nhà khoa học cũng bổ sung canxi để hỗ trợ quá trình nảy mầm và tạo sự cân bằng pH tối ưu. Họ đã cho dung dịch chứa phấn hoa vào một khẩu súng bắn bong bóng và bắn chúng vào một vườn lê. Với tỷ lệ khoảng 2.000 hạt phấn hoa trên mỗi quá bong bóng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng 95% cây đều đậu quả.

Một bong bóng xà phòng chứa phấn hoa trong thí nghiệm của ông Eijiro Miyako
Một bong bóng xà phòng chứa phấn hoa trong thí nghiệm của ông Eijiro Miyako. (Ảnh: Eijiro Miyako/AFP).

“Chuyện nghe có vẻ rất khó tin nhưng bong bóng xà phòng thụ phấn rất hiệu quả. Phương pháp này có thể đảm bảo chất lượng của trái cây giống như việc thụ phấn thủ công thông thường. Trong khi thụ phấn thủ công là một quá trình tốn nhiều công sức hơn”, ông Miyako nói.

Một nghệ sĩ đường phố tạo ra bong bóng xà phòng khổng lồ ở Dresden, Đức.
Một nghệ sĩ đường phố tạo ra bong bóng xà phòng khổng lồ ở Dresden, Đức. (Ảnh: EPA).

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm của họ trên bầu trời. Bằng cách gắn súng bắn bong bóng chứa phấn hoa vào một chiếc máy bay không người lái nhỏ, được lập trình để bay theo một tuyến đường định trước. Họ nhắm vào một khóm hoa huệ giả. Khi bay ở độ cao 2 mét với vận tốc 2 mét/giây, thiết bị không người lái đã thực hiện thành công nhiệm vụ của mình với tỷ lệ 90%.

Miyako cho biết ông đang đàm phán với một công ty để thương mại hóa công nghệ này trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi thêm để cải thiện độ chính xác của robot cũng như tiến hành thử nghiệm trên nhiều loại hoa.

Súng bắn bong bóng xà phòng chứa phấn hoa được gắn vào drone.
Súng bắn bong bóng xà phòng chứa phấn hoa được gắn vào drone. (Ảnh: Reuters).

Đây được cho là nghiên cứu đầu tiên về tính chất của bong bóng xà phòng cũng như chất mang phấn hoa.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này có thể giải quyết sự suy giảm côn trùng thụ phấn, chia sẻ gánh nặng cho những người lao động nặng liên quan đến thụ phấn nhân tạo và giảm chi phí tăng vọt của hạt phấn hoa.

Các loài côn trùng thụ phấn như ong vẫn đóng một vai trò quan trọng trong canh tác hiện đại, vì chúng làm tăng đáng kể năng suất các loại cây trồng, từ hạt cải dầu đến cây ăn quả. Tuy nhiên, chúng vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng trong thế kỷ này do việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các yếu tố khác dẫn đến cái chết của hàng triệu loài côn trùng trên toàn cầu.

Cập nhật: 19/06/2020 Theo Báo Tin Tức
  • 347